Hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường phải ở mức cao hơn

Bùi Dương

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, trong đó đề xuất tăng kịch khung thuế đối với xăng dầu, dung dịch HCFC và túi ni lông.

Thuế bảo vệ môi trường góp phần góp phần điều chỉnh hết hoạt động sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Thuế bảo vệ môi trường góp phần góp phần điều chỉnh hết hoạt động sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm

Trước đó, Bộ Tài chính đã đưa ra đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung đối với cả xăng và dầu. Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất được đưa ra, đã có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề này. Dư luận cho rằng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu của Bộ Tài chính thực tế nhằm tìm cách tăng thu cho ngân sách. Sắc thuế này tác động trực tiếp tới người nghèo do nhu cầu đi lại cao hơn và không thể tìm được sản phẩm thay thế.

Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng khi tăng thuế bảo vệ môi trường lên 1.000 hay 3.000 đồng như trước đây, mỗi lần đổ xăng dân phải chi thêm vài ba ngàn nhưng ngân sách thu được cả chục ngàn tỷ (tương đương hàng tỷ USD). Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính nhằm bảo vệ môi trường… nhưng cũng đặt ra vấn đề là các khoản thu NSNN sẽ được điều tiết như thế nào, bao nhiêu phần trăm (%) được sử dụng để bảo vệ môi trường…

Chủ trương và nguyên tắc xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường

Tại Luật thuế Bảo vệ môi trường đã quy định 2 nguyên tắc xác định và xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: (i) mức thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ; (ii) mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá. 

Trong khi mặt hàng xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia... Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Hơn nữa, cũng theo tính toán của các nhà khoa học để hoàn trả lại môi trường thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường phải ở mức cao hơn.

Đối với chính sách thuế bảo vệ môi trường, từ năm 2016, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có các giải pháp như tập trung cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thuế nội địa và với chính sách thuế bảo vệ môi trường phải cải cách mức thu để góp phần hạn chế sử dụng mặt hàng gây tác động đến môi trường.

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường do Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội tổ chức năm 2017, đã có những ý kiến của các nhà khoa học cho rằng: Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít.

Tăng thuế môi trường sẽ tác động thế nào đến CPI?

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung đối với cả xăng và dầu. Trong đó, với xăng đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít…

“Với việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường, theo chúng tôi phân tích, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định.

Bộ Tài chính cho biết, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Mức thuế mới này dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2018.

19/23 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình dự thảo đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ đã tiến hành theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ và Bộ Tài chính để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.

Về cơ bản, các ý kiến tham gia đều hết sức trách nhiệm và đạt được sự đồng thuận khá cao. Đặc biệt, trên cơ sở giải trình tiếp thu ý kiến, dự thảo Dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đã được Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp cho ý kiến và đã được 19/23 ý kiến đồng ý thông qua của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ  ký tờ trình trình  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, thông qua Dự án.

Luật thuế Bảo vệ môi trường là một trong những sắc thuế điều chỉnh các khoản thu ngân sách liên quan đến việc bảo vệ môi trường, việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, mức thuế… là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần phát triển kinh tế bền vững ít gây ô nhiễm góp phần điều chỉnh hết hoạt động sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường sinh thái. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại NSNN phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội.