Hiệu ứng từ cách mạng công nghệ thông tin đối với thị trường kiểm toán

Khánh Chi

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thị trường kiểm toán là một xu thế tất yếu, khi các doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào hệ thống máy tính trong việc ghi chép, xử lý các giao dịch nghiệp vụ. Trước yêu cầu mới này đòi hỏi các công ty kiểm toán cần chú trọng phát triển công nghệ, kỹ thuật kiểm toán hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, cũng như chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này...

Hiện chỉ có các công ty kiểm toán Big Four và một số công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế đã sử dụng phần mềm kiểm toán chuyên nghiệp trong lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục kiểm toán.
Hiện chỉ có các công ty kiểm toán Big Four và một số công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế đã sử dụng phần mềm kiểm toán chuyên nghiệp trong lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục kiểm toán.

 Tác động của công nghệ thông tin đến thị trường kiểm toán

Theo những nghiên cứu gần đây ở Việt Nam, công nghệ thông tin (CNTT) đang được áp dụng ở mức độ nhất định trong hoạt động kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, mức độ áp dụng của các công ty kiểm toán còn chưa đồng đều và có những hạn chế.

Hiện chỉ có các công ty kiểm toán Big Four và một số công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế đã sử dụng phần mềm kiểm toán chuyên nghiệp trong lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục kiểm toán. Các công ty kiểm toán còn lại chủ yếu sử dụng các ứng dụng văn phòng như Microsoft Word và Excel, để lập giấy tờ kiểm toán và sử dụng các công cụ trong Excel thực hiện các thủ tục phân tích.

Nhiều công ty kiểm toán chưa sử dụng các phần mềm chuyên dụng để lập hồ sơ kế toán và thực hiện thủ tục kiểm toán. Vì vậy, hiệu quả công việc chưa cao, đặc biệt là khi kiểm toán các khách hàng lớn có hệ thống CNTT phức tạp như các ngân hàng, công ty bảo hiểm... Việc ứng dụng CNTT và các kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính chưa được áp dụng một cách rộng rãi, dẫn tới các hạn chế trong việc phân tích, xử lý các thông tin, giao dịch của khách hàng.

Ngoài ra, mức độ hiểu biết chuyên sâu về CNTT tại các công ty kiểm toán còn có sự khác biệt. Tại các công ty kiểm toán Big Four, bên cạnh bộ phận kiểm toán đều có bộ phận CNTT hỗ trợ cho hoạt động kiểm toán. Bộ phận này và bộ phận kiểm toán phối hợp với nhau, trong việc thực hiện kiểm toán.

Các công ty kiểm toán khác thường không có bộ phận CNTT riêng biệt. Vì vậy, khi kiểm toán những đơn vị có hệ thống công nghệ phức tạp, các công ty này sẽ đi thuê chuyên gia công nghệ từ bên ngoài hoặc là không sử dụng các chuyên gia công nghệ. Trong trường hợp này, kiểm toán viên chủ yếu dựa vào các thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản thực hiện thủ công, để kiểm tra tính đúng đắn của việc ghi chép giao dịch. Tuy nhiên, với quy mô giao dịch lớn và mức độ ứng dụng CNTT lớn trong các doanh nghiệp (DN) hiện nay thì việc không sử dụng các thủ tục kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính, có thể ảnh hưởng tới chất lượng và tính hiệu quả của cuộc kiểm toán.

 Phát triển thị trường kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ

Trước xu thế cách mạng công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay đòi hỏi các cán bộ, công chức, kế toán, kiểm toán viên phải kịp thời nâng cao trình độ ứng dụng CNTT để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công việc.

Trong lĩnh vực kiểm toán, hoạt động kiểm toán nói chung và Kiểm toán Nhà nước nói riêng đều thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính do kế toán xử lý và cung cấp. Vì vậy, sự thay đổi của quy trình, thủ tục xử lý, tổng hợp thông tin cũng như việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính trong bối cảnh CNTT phát triển mạnh mẽ cũng đòi hỏi ngành Kiểm toán Nhà nước nên đổi mới căn bản về quy trình kiểm toán cũng như việc vận dụng các phương pháp kiểm toán.

Ngoài ra, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây…

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ số lượng, chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hệ thống CNTT và công tác kiểm toán CNTT; Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức chuyên trách CNTT đảm bảo đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống CNTT của Kiểm toán Nhà nước.

Cách mạng CNTT đã, đang mang lại rất nhiều cơ hội và thách thức với cá nhân làm việc trong lĩnh vực kiểm toán phải nâng cao khả năng công nghệ và tầm nhìn, đồng thời là năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; Đầu tư phát triển hạ tầng CNTT tại DN và phòng chống lỗ hổng bảo mật an ninh mạng...