Hợp tác Việt Nam - Nigeria: Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo Nguyễn Thăng/daibieunhandan.vn

Mặc dù đã thiết lập quan hệ thương mại được hơn 20 năm, song bình quân trong 5 năm vừa qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nigeria mới đạt khoảng 250 triệu USD. Con số khiêm tốn này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa 2 quốc gia còn rất lớn. Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Nigeria do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 4/11 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều điểm tương đồng

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho biết, là một trong các thị trường lớn nhất châu Phi, hàng năm Nigeria có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Việt Nam mong muốn tăng cường nhập khẩu các mặt hàng có tiềm năng từ Nigeria, nhất là các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch trao đổi bình quân 5 năm gần đây mới đạt trên 250 triệu USD, được đánh giá là còn rất khiêm tốn. Bởi theo số liệu từ Bộ Công thương, tính chung trong năm 2016 toàn thị trường châu Phi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 5,36 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu khu vực hàng năm. 

Theo VCCI, điểm đáng mừng là trong quan hệ thương mại với Nigeria, Việt Nam đang xuất siêu gần như tuyệt đối. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nigeria là phương tiện vận tải và phụ tùng, máy vi tính, thiết bị điện tử… Việt Nam nhập khẩu từ nước này các mặt hàng gồm hạt điều thô, sợi bông, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả… Ngoài ra, hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác khác trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, gia công may mặc, da giày, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng…

Nhiều cơ hội hợp tác đang mở ra với tiềm năng tăng trưởng của 2 nước trong tương lai. Theo đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn và kiểm soát tốt hơn lạm phát. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,2%; kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nigeria tại Việt Nam, Fransis Efeduma nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN; đồng thời sẽ ký kết và triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu, FTA với Liên minh châu Âu (EU)...

Theo đó, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. “Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng để doanh nghiệp Nigeria thông qua hợp tác, đầu tư sản xuất tại đây và tiếp cận các thị trường rộng lớn trên toàn cầu”, ông Fransis Efeduma nhấn mạnh.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nigeria Phạm Anh Tuấn thì cho biết, Nigeria là một trong những thị trường lớn nhất tại châu Phi với dân số khoảng 186 triệu người diện tích gần 1 triệu km2, có GDP ngang bằng với Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Nigeria có nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển, vì vậy, hai bên có thể tận dụng các FTA song phương để tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.

Tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nigeria - Việt Nam Oye Akinsemoyin chia sẻ, ông tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006, từ đó đến nay Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, điện tử viễn thông và nguyên liệu chế biến.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều đã đồng thời mang lại lợi ích cho Nigeria. Bởi việc Việt Nam nhập khẩu điều thô từ Nigeria là một trong những hoạt động thương mại làm gia tăng vai trò của 2 nước trong chuỗi giá trị sản xuất mặt hàng này.

Ông cũng cho hay, hai bên đang đặt nền móng để xây dựng thành công hợp tác hai nước. Nigeria cần sự hỗ trợ về nhân lực của phía Việt Nam. Dựa trên mối quan hệ, hai nước cần tận dụng lợi thế của nhau để phát triển chế biến các mặt hàng, trong đó có hàng nông sản. Ông kỳ vọng trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thô, hợp tác cùng sản xuất, chế biến. Đoàn doanh nghiệp Nigeria rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam, hướng tới tương lai, cùng có lợi.

Nói thêm về các lợi thế để mở rộng thị trường, các chuyên gia cho biết, Nigeria nói riêng và khu vực châu Phi nói chung có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và trữ lượng lớn; nhu cầu thị trường cao, dễ tính; kinh tế các nước trong khu vực này hiện tăng trưởng tương đối nhanh và đang đẩy mạnh hội nhập khu vực, quốc tế; được hưởng ưu đãi từ Mỹ, EU và các nước phát triển khác; nguồn lao động dồi dào; nguồn cung nguyên liệu sản xuất tương đối phong phú…

Về chính sách thương mại, hiện nay châu Phi đứng đầu thế giới về cải thiện môi trường đầu tư; áp dụng các chính sách, biện pháp linh hoạt; kinh tế thị trường tự do; 43/55 nước ở châu Phi là thành viên của WTO; khu vực đang dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát đối với vật giá trong nước; có nhiều liên minh kinh tế trong khu vực như ECOWAS, UEMOA, CEMAC, COMESA…