Indonesia "đón sóng" đầu tư từ Mỹ và cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo Thy Hằng/enternews.vn

Mặc dù được đánh giá có những nét tương đồng về môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng logistics, tuy nhiên, Indonesia đang chủ động vượt lên đón sóng đầu tư dịch chuyển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những ngày qua, thông tin Indonesia đã tranh thủ "đón lõng" các công ty Mỹ nằm trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc sang đang thu hút sự quan tâm chú ý. Theo đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia đang có các cuộc đối thoại về khả năng sẽ thu hút đầu tư từ các công ty dược phẩm Mỹ có nguyện vọng muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Chính phủ Indonesia cũng được cho là đang chuẩn bị khu vực kinh tế đặc biệt có diện tích đến 4.000 héc ta để đón làn sóng đầu tư ngành dược phẩm từ Mỹ. 
Chính phủ Indonesia cũng được cho là đang chuẩn bị khu vực kinh tế đặc biệt có diện tích đến 4.000 héc ta để đón làn sóng đầu tư ngành dược phẩm từ Mỹ. 

Sự chủ động của “người yếu thế” 

Nhận định động thái này của Indonesia trong thu hút đầu tư FDI, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, Indonesia đã chủ động đón dòng đầu tư.

Theo đó, từ năm 2019, Indonesia đã nhận thấy mình không phải là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019 nhấn mạnh yếu tố pháp lý không ổn định, chủ nghĩa dân tộc kinh tế, hạn chế xuất nhập khẩu là những yếu tố khiến việc đầu tư vào Indonesia không hấp dẫn. 

Cùng với đó, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã thông báo về 33 nhà đầu tư lớn dịch chuyển khỏi Trung Quốc, điểm đến được cho là Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và một số tới Malaysia chứ không có Indonesia.

“Nhiều người tại thời điểm đó cho rằng Indonesia không phải là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài khi rút khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên không phải vậy”, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nói.

Vị chuyên gia phân tích, gần đây, Indonesia đã thể hiện nhiều nỗ lực cải cách để thay đổi quyết định của các nhà đầu tư. Trước hết, họ giảm thuế.  “Tại Indonesia, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, họ đặt mục tiêu giảm thuế về mức 23% năm 2021, tưởng đương mức trung bình của ASEAN. Doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. Doanh nghiệp có doanh thu từ 4,8 - 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupi”, ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, Luật Lao động của Indonesia cũng được đánh giá là “lủng củng” làm nhà đầu tư ngại bước vào để sản xuất kinh doanh. “Nhưng nay Indoneisa đã thay đổi, quy định về lao động được thực hiện đồng nhất giữa các địa phương để nhà đầu tư an tâm hơn”, ông Sơn cho biết.

Đặc biệt, Indonesia cũng đã mở môi trường đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, công nghệ cao. 

Thủ tướng Indonesia cũng được nhận định là có khả năng duy trì ổn định chính trị của quốc gia này. Chính những điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu để ý Indonesia.

Cũng theo chuyên gia Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, xét về dài hạn, Indonesia có số dân gấp 3 Việt Nam, do đó, về lâu dài, đây là thị trường lý tưởng cho các nhà đầu tư.

Logistics của Indonesia dù không phát triển nhưng lại có lợi thế gần Singapore. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng hệ thống logistics, hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng của Singapore ngay bên cạnh.

“Indonesia ngoài dân số lớn còn có nguồn tài nguyên mạnh. Do đó, 5 tháng gần đây Indonesia cùng với những thay đổi yếu tố môi trường kinh doanh đã thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ”, ông Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Nếu so sánh về mặt lâu dài, chuyên gia nhận định, nhà đầu tư đánh giá cao Indonesia và Ấn Độ. Nói vậy thì cơ hội nào cho Việt Nam?

Xây dựng các đặc khu cho từng loại hình 

Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Việt Nam với sự thành công của việc chống dịch COVID-19 cùng kinh tế vĩ mô ổn định đang được xem là điểm đến hấp dẫn trước mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thực sự làm yên lòng hơn các nhà đầu tư, khiến họ rót vốn, Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ. 

“Nhìn vào những nét tương đồng và khác biệt đã nói ở trên giữa Việt Nam và Indonesia sẽ thấy, chúng ta có lợi thế kinh tế vĩ mô ổn định, lao động dồi dào và có nhiều đức tính tốt với mức lương dễ chịu cho nhà đầu tư. Lợi thế gần Trung Quốc cũng được xem là điểm cộng trong sự dịch chuyển của các nhà đầu tư”, ông Sơn phân tích.

Vị chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ trước hết về chất lượng đào tạo nhân lực.

Cùng với đó, lương lao động tại Việt Nam tương đối dễ chịu với nhà đầu tư nhưng chính sách về tiền lương lại thay đổi liên tục, lương tối thiểu vùng tăng đều mỗi năm. Đây là điểm chúng ta cần thay đổi.

Đặc biệt, môi trường kinh doanh là vấn đề được nhà đầu đặc biệt quan tâm. Theo đó, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là nhiều đòi hỏi, chi phí lớn. “Do đó, phải thay đổi thể chế, thay đổi cách ưu ái phát triển của khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân”, ông Sơn nói.

Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh phải có chiến lược thu hút đầu tư rõ ràng, các chiến lược phải được thông tin rộng rãi cho các nhà đầu tư biết môi trường kinh doanh sẽ thay đổi theo hướng nào, giáo dục được cải cách ra sao.

Lấy ví dụ về Indonesia với 13 khu chiết suất được nhanh chóng xây dựng, cùng 7 khu kinh tế đặc biệt dự định được xây dựng năm 2020, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, họ đã tạo ra vùng đất, ưu đãi cho từng loại hình đầu tư, đây là ưu thế.

Do đó, Việt Nam cần xây dựng các đặc khu kinh tế, chuyên gia cho rằng: Vẫn cần phải xây dựng đặc khu kinh tế, tạo vùng lãnh thổ có thể chế luật vượt ra ngoài thể chế quốc gia, thống nhất tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển, tránh tình trạng mỗi địa phương một quy định như hiện nay.

“Tuy nhiên, cần lưu ý đặc biệt các khu kinh tế này xác định nhắm đến đối tượng nào? Nếu chỉ nhắm vào phục vụ nhà đầu tư Trung Quốc như trước đây thì không thu hút được. Phải thể hiện được cho nhà đầu tư là đặc khu kinh tế của Việt Nam. Tránh tình trạng như đã xuất hiện gần đây, Trung Quốc “trá hình” sở hữu đất đai và doanh nghiệp Việt”, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý Việt Nam nên tranh thủ thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, năng lượng sạch...