Kích hoạt đầu tư tư nhân

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Mặc dù được nhìn nhận là một phương thức ưu việt để thu hút đầu tư tư nhân, thế nhưng việc triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thời gian qua vẫn còn quá mờ nhạt so với kỳ vọng.

Kích hoạt đầu tư tư nhân
Việc triển khai các dự án theo hình thức PPP thời gian qua vẫn còn quá mờ nhạt so với kỳ vọng. Nguồn: internet

Nhìn lại thực tế thí điểm PPP theo Quyết định 71 của Chính phủ, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra tình trạng “ôm” dự án rất phổ biến, chỉ định thầu là chủ yếu. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện chủ yếu hoạt động bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.

Trong khi, các doanh nghiệp này chính là nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam và nhiều công ty đang là nhà đầu tư của những dự án lớn. Tuy nhiên, tình cảnh chung là nhà đầu tư không có vốn, hoạt động nhờ vốn ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước, rồi sau đó “xin” thêm trái phiếu chính phủ để đủ vốn tham gia các dự án đầu tư.

Phân tích về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), cho rằng: “Xét cho cùng hợp tác công - tư tại Việt Nam thực chất là công - công. Khi có lợi, nhà đầu tư nhảy vào, nhưng khi thua lỗ mang trả lại Nhà nước. Điều này rất nguy hiểm”.

Việc xem xét sửa đổi thể chế để PPP thực sự trở thành “hình thức huy động cao nhất các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở Việt Nam, đang là một yêu cầu cấp thiết. Mới đây, Bộ KH-ĐT chính thức lấy ý kiến dự thảo nghị định mới về PPP để sớm trình Chính phủ ban hành.

Dự thảo này được hình thành trên cơ sở hợp nhất Nghị định 108 năm 2009 về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đầu tư PPP. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng cho biết trên thực tế PPP hay BOT, BT… đều là một: “Nếu PPP là môn toán, thì BOT là đại số, BT là hình học…

Như vậy, PPP là chung với rất nhiều hình thức cụ thể. Điều đáng tiếc là phải mất 2 năm chúng ta mới nhận thức được điều này. Nếu nhận thức sớm chúng ta đã không phải ra Quyết định 71, mà tập trung sửa đổi và nâng cấp Nghị định 108”.

Điểm mới trong phạm vi điều chỉnh của nghị định là bổ sung quy định về quản lý và sử dụng phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP. Cụ thể, phần tham gia của Nhà nước bao gồm vốn, tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất và các nguồn tài chính khác.

Các nguồn lực này được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp việc thực hiện dự án với mức tối đa không quá 50% tổng vốn đầu tư của dự án. Nguồn vốn nhà nước trong phần tham gia của Nhà nước chỉ được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung chi phí xây dựng công trình dự án và không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án.

Ngoài ra, các nguồn vốn nhà nước sử dụng để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc xây dựng công trình phụ trợ không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án cũng như phần tham gia của Nhà nước. Như vậy, so với quy định của Quyết định 71, phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP đã được điều chỉnh khá lớn để tăng tính khả thi cho dự án.

Bên cạnh đó, trong dự thảo mới, ngoài các hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT, còn bổ sung một số hình thức hợp đồng dự án khác, trên cơ sở tham khảo các mô hình hợp đồng dự án đang được áp dụng phổ biến ở nhiều nước. Cụ thể là hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO); hợp đồng thiết kế - xây dựng - thu xếp vốn - kinh doanh - chuyển giao (DBFMOT); hợp đồng xây dựng - thu xếp vốn - kinh doanh - bảo trì (BFOM); hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Trên thực tế, hợp đồng DBFMOT và hợp đồng BFOM đang được đề xuất thực hiện đối với dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và dự án cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt. Hợp đồng BOO và hợp đồng O&M cũng được áp dụng phổ biến để thực hiện một số dự án nhà máy nước và dự án điện nhỏ. Việc bổ sung các hình thức hợp đồng dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực hiện một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mà còn tạo cơ sở pháp lý để áp dụng thống nhất một số hình thức hợp đồng dự án đã được thực hiện trên thực tế ở Việt Nam, nhưng chưa được thừa nhận chính thức.

Một điểm mới khác là lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP cũng được mở rộng, đồng thời bổ sung cơ chế linh hoạt hơn trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất.