Kinh nghiệm quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách cho dự án đầu tư xây dựng cơ bản

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại một số quốc gia cũng như một số địa phương ở Việt Nam, bài viết hàm ý những vấn đề đối với công tác quản lý và phân bổ, sử dụng ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý  và phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản

Không chỉ riêng Việt Nam, một số quốc gia trên thế giới đều chú trọng triển khai hiệu quả công tác quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), cụ thể như:

Trung Quốc

Chú trọng công tác quy hoạch và đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Tại Trung Quốc, tất cả các dự án đầu tư công đều phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt mới được chuẩn bị đầu tư. Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc là cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo thẩm định về các quy hoạch phát triển, các dự án xây dựng quan trọng, dự án có vốn đầu tư nước ngoài quan trọng trình Quốc Vụ viện phê duyệt; kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện các quy hoạch đã được duyệt. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các quy hoạch phát triển đã được duyệt để đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư và danh mục các dự án đầu tư.

Nâng cao công tác thẩm định dự án: Tại Trung Quốc, cấp có thẩm quyền của từng cấp ngân sách có toàn quyền quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn từ ngân sách của cấp mình (Trung Quốc có 4 cấp ngân sách: Cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp huyện và trấn). Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan của ngân sách cấp trên trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Việc thẩm định dự án đầu tư ở tất cả các bước đều thông qua Hội đồng thẩm định của từng cấp và lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cùng cấp và cấp trên nếu có sử dụng vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên…

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát: Ở Trung Quốc, việc tổ chức giám sát các dự án đầu tư công được thực hiện thông qua nhiều cấp, nhiều vòng giám sát khác nhau. Mục đích giám sát đầu tư của cơ quan Chính phủ là đảm bảo đầu tư đúng mục đích, đúng dự án, đúng quy định và có hiệu quả. Cơ quan có dự án phải bố tríngười thực hiện giám sát dự án thường xuyên theo quy định của pháp luật. Ủy ban Phát triển và Cải cách từng cấp chịu trách nhiệm tổ chức giám sát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của cấp mình, có bộ phận giám sát đầu tư riêng. Khi cần thiết Ủy ban Phát triển và Cải cách có thể thành lập và chủ trì các tổ giám sát đầu tư liên ngành với sự tham gia của các cơ quan tài chính, chống tham nhũng, quản lý chuyên ngành cùng cấp và các cơ quan, địa phương có liên quan.

Hàn Quốc

Để phân bổ, sử dụng ngân sách cho dự án hiệu quả, Hàn Quốc triển khai các nội dung sau:

Sàng lọc tốt dự án đầu tư công: Trong hệ thống quản lý đầu tư công của Hàn Quốc, Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng công - tư (PIMAC) thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc với chức năng sàng lọc cho các dự án đầu tư công. PIMAC chịu trách nhiệm tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn. PIMAC và Bộ Chiến lược và Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, thông qua và quyết định việc loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi các dự án này. Việc đánh giá nghiên cứu tiền khả thi đã làm tỷ lệ dự án được duyệt chỉ còn 60% so với đề xuất của các bộ chủ quản.

Ở Hàn Quốc, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chủ yếu được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và cưỡng chế. Trong trường hợp thỏa thuận với người bị thu hồi đất thất bại thì Nhà nước buộc phải sử dụng phương thức cưỡng chế.

Giao việc định giá thu hồi đất cho tổ chức hoạt động độc lập: Ở Hàn Quốc, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chủ yếu được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và cưỡng chế. Trong trường hợp thỏa thuận với người bị thu hồi đất thất bại thì Nhà nước buộc phải sử dụng phương thức cưỡng chế. Theo thống kê của Cục Chính sách đất đai Hàn Quốc, có khoảng 15% các trường hợp thu hồi đất phải sử dụng phương thức cưỡng chế. Tại Hàn Quốc, Tổ chức nhà ở Quốc gia (một tổ chức xã hội hoạt động dưới hình thức một nhà đầu tư độc lập) mới được phép thu hồi đất theo quy hoạch để thực hiện các dự án xây nhà ở, cơ sở hạ tầng. Việc xác định đơn giá bồi thường được thực hiện bởi bên thứ ba, là cơ quan, đơn vị có nghiệp vụ định giá chuyên nghiệp.

Đề cao vai trò giám sát của người dân trong hoạt động chi đầu tư công: Vai trò giám sát của người dân được đề cao thông qua quyền đề xuất các sáng kiến, giải pháp, kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả. Để thực hiện được điều này, Hàn Quốc có cơ chế khen thưởng rõ ràng đối với những giải pháp được chấp thuận, nhằm tạo động lực thúc đẩy triển khai hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo chi đầu tư công liên tục được giám sát và đánh giá cẩn thận. Mức thưởng tối đa lên đến 26.000 USD (tương đương 600 triệu đồng) cho những giải pháp, sáng kiến tiết kiệm được chấp thuận là biện pháp Chính quyền thủ đô Seoul, Hàn Quốc dùng để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đề xuất các ý tưởng giúp cho việc quản lý, sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả.

Quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách đầu tư  xây dựng cơ bản của một số địa phương ở Việt Nam

Trong những năm qua, công tác quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) của các địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các tỉnh/thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý NSNN của các địa phương cũng còn những tồn tại, bất cập đặt ra cần giải quyết. Khảo sát thực tiễn, bài viết rút ra một số kinh nghiệm triển khai quản lý, phân bổ và sử dụng NSNN tại TP. Đà Nẵng và Yên Bái. Cụ thể:

TP. Đà Nẵng

Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính, có thành tích cao về quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực, nhất là quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ NSNN. Kết quả này bắt nguồn từ kinh nghiệm mà Đà Nẵng đã áp dụng, gồm:

Thứ nhất, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư XDCB: UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc Nhóm A là khoảng 217 ngày; Nhóm B là khoảng 232 ngày và nhóm C là khoảng 227 ngày. Đến cuối năm 2017, thời gian thực hiện các TTHC về đầu tư XDCB trên địa bàn Thành phố đã giảm từ 60 - 83 ngày so với tổng thời gian thực hiện bộ thủ tục thẩm định phê duyệt tùy theo tính chất và loại công trình, tương ứng 1/3 thời gian thực hiện thủ tục.

Thứ hai, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nổi bật trong công tác giải phóng mặt bằng của TP. Đà Nẵng có thể khái quát trong 3 cơ chế: (1) Cơ chế “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch”, UBND Thành phố đã ban hành được quy định về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, mức giá đền bù đối với tất cả các dự án được áp dụng theo biểu giá chung và thống nhất do Thành phố duyệt; (2) Cơ chế “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai”, trong trường hợp các hộ bị thu hồi một phần đất, phần diện tích đất còn lại vẫn đủ điều kiện xây nhà theo quy định thì chỉ được bồi thường giá trị tài sản trên đất, bởi do diện tích đất còn lại sau bồi thường có giá cao; (3) Cơ chế “đối thoại” và “đồng thuận, tất cả các dự án có thu hồi, tái định cư đều được UBND Thành phố giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền lấy ý kiến nhân dân thông qua các cuộc họp toàn thể các hộ trong diện giải tỏa.

Thứ ba, thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch và các dự án. UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND quy định về công khai một số nội dung đầu tư đối với các dự án XDCB. Nội dung công khai bao gồm chủ trương đầu tư, tên dự án, nhóm dự án; mục tiêu, quy mô đầu tư xây dựng, địa điểm và phạm vi đầu tư; tổng mức đầu tư, tiến độ, nguồn vốn thực hiện dự án và thông tin đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.

Yên Bái

Yên Bái là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Từ năm 2014, khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác, đặc biệt là ngay sau đó đường tránh ngập và nút giao IC 12 khánh thành, nối Yên Bái với tuyến huyết mạch quan trọng đã mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế của Tỉnh. Qua tiếp cận thực tế và các tài liệu báo cáo, công tác quản lý vốn đầu tư XDCB sử dụng vốn NSNN tại Yên Bái có một số kinh nghiệm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, nâng cao công tác lập quy hoạch: Tỉnh Yên Bái rất chú trọng công tác lập quy hoạch, tất cả các quy hoạch cần thiết được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo kế hoạch, trong năm 2017, tỉnh Yên Bái phải lập 20 hồ sơ quy hoạch quan trọng, bao gồm Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2030; Quy hoạch ngành và các quy hoạch của địa phương. Để đảm bảo tiến độ thực hiện, UBND Tỉnh chủ động phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương từ khâu xây dựng quy hoạch, lên kế hoạch chi tiết cho đến khi hoàn thành quy hoạch (kể cả làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ), hàng tuần phải có báo cáo UBND Tỉnh về tiến độ thực hiện.

Thứ hai, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong đầu tư XDCB: UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các huyện, thị, thành phố để báo cáo, đôn đốc, kịp thời đề xuất việc thẩm định các nguồn vốn đầu tư. Đối với việc thanh quyết toán và giải ngân, UBND Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có liên quan đến việc chuyển nguồn phải có báo cáo về Sở Tài chính để đề xuất UBND tỉnh xử lý dứt điểm. Đối với các dự án ngoài kế hoạch về hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa – xã hội ở nông thôn, UBND Tỉnh đôn đốc các huyện khẩn trương có đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Trong đó, đề xuất của các địa phương phải gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm rõ thêm nguồn đã được giao kế hoạch để ngành Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND Tỉnh biết và cân đối nguồn nếu cần thiết.

Hàm ý về chính sách

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý và phân bổ, sử dụng NSNN của các quốc gia và thực tiễn triển khai của một số địa phương nước ta, bài viết gợi ý về chính sách nhằm giúp chính quyền địa phương cấp tỉnh quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư XDCB, cụ thể:

Một là, chú trọng công tác lập và quy hoạch: Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng vốn NSNN cho các dự án đầu tư XDCB cần được thẩm định, phê duyệt kịp thời, đồng bộ, gắn kết, phù hợp, tránh chồng chéo. Quy hoạch cần có phương án dài hơi, gắn quy hoạch ngành, quy hoạch vùng trong lĩnh vực đầu tư XDCB.

Hai là, đầu tư dự án có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải: Việc phê duyệt và bố trí vốn cho dự án bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư dự án, công trình thiết thực với đời sống nhân dân như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, cải cách TTHC trong đầu tư xây dựng: UBND tỉnh chủ trì và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp đề xuất, kiến nghị loại bỏ các TTHC không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện TTHC về đầu tư xây dựng; các địa phương phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu là cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện TTHC về đầu tư xây dựng.

Bốn là, thực hiện công khai, minh bạch về đầu tư XDCB: Cần phải thực hiện công khai minh bạch, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước và cộng đồng nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí. Nội dung thông tin cần công khai gồm: Tên dự án và tên vị trí xây dựng, quy mô công trình, nguồn vốn và tổng mức đầu tư, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án; danh sách nhà thầu; thời gian khởi công, hoàn thành; địa chỉ, điện thoại liên hệ của các đơn vị tham gia dự án để nhân dân và các tổ chức biết và tham gia giám sát.

Năm là, nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng: UBND tỉnh cần chỉ đạo, đôn đốc tiến độ và tháo gỡ các vướng mắc, giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Báo cáo Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về đầu tư công, tháng 8/2013;

2. Xuân Đương, "Mổ xẻ" thành công của Đà Nẵng về giải tỏa, đền bù, tái định cư, http://cadn.com.vn/news/97_112487_-mo-xe-thanh-cong-cua-da-nang-ve-giai-toa-den-bu-t.aspx;

3. Nguyễn Phương Thảo, Kinh nghiệm quản lý đầu tư công của một số quốc gia trên thế giới, http://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201310/kinh-nghiem-quan-ly-dau-tu-cong-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-292530.