Kinh tế Việt Nam – Chỉ có thể đi lên bằng đôi chân vững vàng và khối óc minh mẫn

PV

(Tài chính) Thuyết trình tại các hội nghị hay tọa đàm khoa học… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đều đưa ra thông điệp rõ ràng: cần nhìn nhận thực chất tình hình kinh tế Việt Nam, không “tô hồng”, “bôi đen”, từ đó có quyết sách đúng đắn để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2013, một năm được đánh giá là có vô vàn khó khăn đối với nền kinh tế, đặc biệt, đối với doanh nghiệp và người dân… khiến công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp gặp rất nhiều thách thức…

Năm 2013 thu được một số kết quả khả quan như GDP tăng 5,42% (quý sau cao hơn quý trước (4,76% - 5,0%  - 5,54% - 5,9%);  CPI ở mức 6,04%, thấp hơn dự kiến; Xuất khẩu  tăng 14,4% (cao hơn kế hoạch 4,4%); Nhập khẩu tăng 15,4%;  Xuất siêu 863 triệu USD; Thu NSNN đạt 100,1% dự toán; Tín dụng cả năm tăng 9%; Lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm; Tỷ giá ổn định. Dự trữ ngoại tệ tăng mạnh; số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới là 76.955, tăng 10,1% so với năm 2012…

Tuy nhiên, phải nhìn nhận đằng sau những thành quả trên vẫn còn rất nhiều bất ổn: Tăng trưởng theo năm vẫn thấp, xuất khẩu tăng nhưng dựa chủ yếu vào khu vực FDI (khu vực này đóng góp hơn 60% doanh số), các DN trong nước chỉ đóng góp phần nhỏ. Năm 2013, số nhập siêu tăng nhanh, cơ bản là nhập hàng hóa tiêu dùng, hàng thô từ Trung quốc (năm 2001 nhập từ Trung quốc 210 triệu USD, năm 2012 lên 16,7 tỷ USD và năm 2013 là 23,7 tỷ USD - tăng  112 lần so với năm 2001). GDP thâm hụt 5,3%, tín dụng tăng nhưng vẫn không đạt mục tiêu (12%), nợ xấu còn lớn, nhiều ngân hàng yếu kém. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 23/12/2013, số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số DN đã giải thể là 9.818, tăng 4,9%; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803, tăng 35,7%; số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116, tăng 8,6%. Chủ trương kích cầu, làm nóng thị BĐS vẫn chưa đạt được, hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội mới giải ngân được rất ít vì vướng rất nhiều vấn đề, cả khâu cơ chế lẫn triển khai thực hiện (NHNN cho biết, đến ngày 31/12/2013, các ngân hàng mới cam kết cho vay gần 1.790 khách hàng, với tổng số tiền hơn 1.880 tỷ đồng).

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn trì trệ và tăng trưởng vẫn ở mức thấp, chưa vượt được đáy, trong khi các nền kinh tế khác đang vượt qua khủng hoảng kể từ năm 2008 và đã trỗi dậy nhanh chóng.

Nguyên nhân dẫn đến trì trệ, yếu kém của nền kinh tế:

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chúng ta chưa giải quyết được bản chất của vấn đề: cơ chế phân cấp vẫn còn bất hợp lý, trong lĩnh vực tài chính: đầu tư vẫn chưa đụng đến cốt lõi cơ chế vận hành NSNN; Lĩnh vực ngân hàng vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết; Các Tập đoàn KTNN vẫn chưa được tái cơ cấu hợp lý; Bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, biên chế nhiều nhưng hiệu quả làm việc chưa cao cộng thêm hệ thống lương thiếu khoa học, chưa đảm bảo đời sống công chức, viên chức, dẫn đến những hệ quả xấu… Mục tiêu cụ thể - ngắn hạn (kéo giảm lạm phát, tái lập ổn định, chặn đà suy giảm tăng trưởng) có thể đạt được nhưng xu thế tổng thể vẫn chưa thay đổi (tái cơ cấu chậm, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực chất, cạnh tranh yếu do  khu vực DNNN, DNTN và nông nghiệp có động lực rất yếu,…). Nền tảng NSNN, đầu tư xã hội, tín dụng… đều yếu, do vậy, xu hướng tụt hậu thực tế là đang xa hơn tăng tốc so với các nước khác;

Các biện pháp hành chính đưa ra chưa đủ mạnh, các giá cơ bản (năng lương - điện, than, xăng, dầu; đất đai; tiền tệ - lãi suất, lương) đều chưa đúng bản chất kinh tế thị trường. Tổng cầu rất yếu: tổng vốn đầu tư XH chỉ đạt 29% GDP; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% (so với 6,5% cùng kỳ năm 2012);

Chính sách phát triển các thị trường (TT) chưa đồng bộ, mới chỉ “chú trọng” phát triển các thị trường vốn (TTCK, TT BĐS, TT bảo hiểm, ngân hàng), chưa quan tâm đúng mức đến các thị trường cơ sở (TT đất đai, TT lao động, v.v.) do vậy, chi phí giao dịch lớn mà phân bổ nguồn lực chưa đúng, đầu tư dàn trải… đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn rất kém, chất lượng thấp, giá thành đội lên cao, thiếu điện, thiếu đường, thiếu cảng biển chiến lược, khu công nghiệp (KCN) tràn lan nhưng chỉ lấp đầy 40% diện tích với đa số dự án công nghệ thấp…

Chủ trương phát triển nền KTTT định hướng XHCN chưa được rõ ràng, chưa phát huy được chức năng của Nhà nước; Mục tiêu phát triển (trở thành nước CN) chưa có chiến lược cụ thể, thiếu cấu trúc và thể chế quản lý cụ thể; Chưa khai thác được “chất xám” của các nhà khoa học; Số liệu, dữ liệu để làm cơ sở cho các tính toán, xây dựng khung các chính sách, chiến lược đầu tư, phát triển… chưa chính xác, thống nhất, độ tin cậy thấp…

Trước các vấn đề nêu trên, nếu chúng ta không tiến hành ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu thì xu hướng tăng trưởng GDP trong năm 2014 - 2015 cũng không bật mạnh lên, không thể thoát đáy được và chúng ta vẫn chưa thể hội nhập thực sự vào dòng chảy của kinh tế thế giới và khu vực.

Giải pháp trước mắt:

- Thực hiện cải cách tổng thể một cách thực chất, đặc biệt là Tái cơ cấu đầu tư công theo đúng Luật NSNN; Tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà  nước (có trọng điểm, mẫu); Tái cơ cấu ngân hàng (tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo);  Cải cách môi trường, thể chế tương thích với các tiêu chí của nền kinh tế thị trường như: nâng cao chất lượng của các đạo luật, tăng cường vai trò của các DNNN, sự chuyển đổi của đồng tiền, xây dựng hệ thống giá theo cơ chế thị trường (đặc biệt là giá nhiên liệu năng lượng); Cải cách hệ thống tiền lương trong khu vực Nhà nước;

- Trực tiếp xử lý tận gốc nợ xấu:  ai  nợ ai, nợ đến đâu thu đến đấy; không đẩy nợ xấu sang cho nhau, không để nợ xấu chạy vòng vèo, không rứt điểm được.

Giải pháp trung  hạn:

- Thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do, mở cửa, miễn - giảm thuế với các khối Liên minh châu Âu, ASEAN, xuyên Thái bình Dương, bắt nhập và thực hiện các công ước, quy định chung của quốc tế;

- Ưu tiên phát triển các Đặc khu Kinh tế Quốc gia chiến lược, có địa thế rừng và biển, có thế mạnh tổng hợp, không xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp manh mún theo vùng, địa phương như hiện nay.

Với thông điệp không “tô hồng” hay “bôi đen” bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, phải thẳng thắn nhìn nhận thực chất vấn đề, đánh giá đúng vấn đề, phát huy mặt mạnh, phát huy thành quả đạt được và quyết tâm đột phá vào những yếu kém, không sợ “mất uy tín”, không chạy theo thành tích,… chỉ có như vậy chúng ta mới mong thoát khỏi vòng luẩn quẩn “yếu kém - tô hồng - thành tích - yếu kém hơn”, lấy lại niềm tin của nhân dân – vũ khí quan trọng nhất để thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch trước mắt và lâu dài mà Đảng và Nhà nước đặt ra.

Với một nền dân chủ chính trị thực sự, nền kinh tế vĩ mô ổn định và niềm tin kinh doanh của cộng đồng DN quay trở lại… thì, đến năm 2025, nền kinh tế Việt Nam mới có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 28 thế giới,… cho đến năm 2050, nền kinh tế Việt Nam mới có thể đứng vào top 20 trong các nền kinh tế lớn trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi – Nhận định của PricewaterhouseCoopers (PwC) - Công ty nghiên cứu và tư vấn kiểm toán hàng đầu thế giới.

Cùng với những nhân tố vô cùng thuận lợi: tình hình chính trị - xã hội ổn định,  kinh tế vĩ mô vững chắc, dân số vàng, lao động sáng tạo, chi phí thấp, tài nguyên thiên nhiên phong phú… tình hình lạm phát giảm, lãi suất hạ nhiệt, dòng vốn đang quay trở lại… Chính phủ phải quyết liệt thực hiện các chính sách cải tổ, đổi mới từ tư duy tới hành động để nền kinh tế nước ta có thể phát huy lợi thế, tạo đà tăng trưởng vững chắc, sớm bắt nhịp được và hòa vào dòng chảy phục hồi chung của các nước trong khu vực và thế giới.

Tài liệu tham khảo:

+ Tham luận của PGS.,TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội nghị triển khai Nghị quyết TW 8-Khóa XI tại Bộ Tài chính (ngày 7/1/2014);
+ Số liệu thống kê kinh tế của Tổng cục Thống kê năm 2013;
+ Một số bài báo trên VnEconomy, Diễn đàn doanh nghiệp, Dân trí…