Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi

PV.

(Tài chính) Ngày 23/11/2012, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn tăng trưởng Kinh tế Việt Nam năm 2012.

Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi
Toàn cảnh Diễn đàn
“Chúng ta mừng là trong khi kinh tế thế giới rất khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, lạm phát được kéo xuống. Đây là thành công của chúng ta trong việc điều hành chính sách. Trong lĩnh vực tiền tệ, từ cuối năm 2011 đến nay rất ổn định, tỷ giá ổn định, mua được nhiều ngoại tệ mà không lạm phát, đấy là nhờ điều hành tốt. Bản thân tôi thấy rất mừng.” Bà Dương Thu Hương – nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu.

Những tín hiệu tích cực

Mở đầu diễn đàn, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM, đã trình bày báo cáo “tăng trưởng kinh tế năm 2012”. Báo cáo cho thấy, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, còn 12%, tức giảm 2,4 điểm phần trăm so với 2010. Đây là một điểm sáng trong bối cảnh tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Ngoài ra, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và một số ngành dịch vụ như thương mại, khách sạn nhà hàng tăng trưởng cao đã có những tác động tích cực đến giảm nghèo.

Trong 3 quý năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong 10 tháng qua đã tăng trưởng chậm lại so với nhiều năm, dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 5,2%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước (Quý I: 4%, Quý II: 4,66%, Quý III: 5,35%). Lạm phát được kiềm chế ở mức độ thấp, dự kiến chỉ khoảng 8%. Thâm hụt thương mại giảm mạnh. Tính đến hết tháng 10/2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 93,8 tỷ USD, tăng 18,9%; nhập khẩu đạt 93,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với những năm trước. Trong khi đó, việc xuất khẩu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái là một tín hiệu tích cực cho năm tới. Dự trữ ngoại tệ tăng được thêm 2 tuần nhập khẩu so với cuối năm 2011. Hoạt động sản xuất đang có xu hướng gia tăng (đánh giá của Ngân hàng HSBC).… Những dấu hiệu trên chứng tỏ kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, giúp đẩy mạnh việc cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đạt được những kết quả trên là do chính sách vĩ mô khá kiên định xuyên suốt trong năm 2012 đó là: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không nới lỏng tiền tệ (khi lạm phát xuống thấp vào giữa năm). Ngoài ra, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu DNNN, giảm số Tổng Công ty từ 21 xuống còn 10; tái cơ cấu đầu tư. Về chính sách tiền tệ, đã hạ trần lãi suất huy động (từ 13% tháng 3/2012 xuống còn 9,0% tháng 11/2012), lãi suất cho vay ngắn hạn đã hạ từ 15,0% (tháng 4/2012) xuống còn 13% (11/2012), tỷ giá ổn định đã chống được tình trạng đô la hóa và tăng cường dự trữ ngoại hối.

Nhưng chưa hết nỗi lo                                   

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo khi tình trạng thu hút nguồn vốn FDI ngày càng thấp, tỷ lệ hàng tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc phá sản, nguồn thu không đủ bù chi… Phát biểu tại diễn đàn, TS. Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: Về cơ bản chính sách vĩ mô – tiền tệ năm 2012 đã được điều hành khá tốt theo định hướng tạo dựng khuôn khổ vĩ mô ổn định cho trung hạn. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý khi năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức dưới 6%. Một trong những  nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 là bởi tình trạng tắc nghẽn tín dụng, dẫn đến sự sụt giảm khá mạnh về vốn đầu tư xã hội, gây nên sự suy yếu về tổng cầu của nền kinh tế. Phân tích cho thấy một trong những nguyên nhân trực tiếp quan trọng dẫn đến tình trạng suy yếu tổng cầu là do lượng hàng tồn kho công nghiệp, đặc biệt là hàng tồn kho của các lĩnh vực sản xuất có liên quan đến lĩnh vực xây dựng – bất động sản... đang tăng cao. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực này. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, riêng lĩnh vực xây dựng đã có đóng góp khoảng 8 – 10% tăng trưởng GDP mỗi năm, nhưng trong 2 năm qua, lĩnh vực này đang có tốc độ tăng trưởng âm.

Nhiều diễn giả cũng cho rằng cần phải có các giải pháp để giải phóng hàng tồn kho thì mới kích thích được sản xuất. Theo ThS. Lưu Minh Đức: Chỉ số tồn kho rất cao, tính đến đầu tháng 10/2012 tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỉ lệ tồn kho tăng cao như: nhựa 56,5%, phân bón 55,1%, xi măng 53,1%, may mặc 48,3%, sắt thép gang 38,8%, ô tô – xe máy 37%... Nhìn chung, có thể thấy sức sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục yếu đi trong khi cầu nội địa và quốc tế chưa được cải thiện.

Đề xuất giải pháp tăng trưởng kinh tế năm 2013

Trước thực trạng GDP của Việt Nam 2 năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, nhiều diễn giả đã đưa ra các giải pháp cho năm 2013. Theo TS. Tuệ Anh - Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM, các vấn đề được đặt ra để đổi mới mô hình tăng trưởng – nâng cao chất lượng tăng trưởng là: năng suất lao động, sử dụng công nghệ, vai trò thu hút FDI, năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh sức cầu sụt giảm, hiệu quả của chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp (cả DNNN và tư nhân), bội chi NSNN…

Theo TS. Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mấu chốt để giải quyết vấn đề suy giảm tổng cầu hiện nay là cần phải đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng bằng giải pháp mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn có được từ việc phát hành trái phiếu công trình (theo ước tính có thể phát hành khoảng 60 – 80 nghìn tỷ đồng trái phiếu công trình), qua đó đẩy mạnh đầu tư cũng như tiêu dùng, góp phần nâng cao tổng cầu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình phục hồi tăng trưởng trong năm 2013.

TS. Vũ  Đình Ánh, Bộ Tài chính cho rằng: Cần nâng cao chất lượng công tác dự báo GDP, vì nếu dự báo chính xác sẽ dễ xác định được xu thế thu chi NSNN là thắt chặt hay nới lỏng khi tính theo tỷ lệ % GDP. Cần lưu ý là các chỉ tiêu kế hoạch hầu như đều dựa vào thực hiện của năm trước mà thiếu hẳn căn cứ dự báo diễn biến kinh tế trong và ngoài nước hay và những tư duy và phương thức tăng trưởng kinh tế đột phá.