Lộ trình cắt giảm thuế đến 2018: Mối lo cho ngành công nghiệp phụ trợ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trao đổi với phóng viên về cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp phụ trợ trước lộ trình cắt giảm thuế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ vào năm 2018, các doanh nghiệp (DN) nội sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài.

Bà Phạm Chi Lan nói: Khi thuế suất nhiều mặt hàng giảm xuống 0% vào năm 2018, thì chắc chắn sức cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài trên thị trường nội địa sẽ mạnh lên rất nhiều, nhất là những DN nào "đụng hàng" với họ (sản xuất kinh doanh cùng chủng loại) sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh rất lớn.

Riêng đối với hàng Trung Quốc, với tình hình căng thẳng tại Biển Đông như hiện nay cũng là một cảnh báo rất lớn về mặt kinh tế. Nếu như các DN Việt Nam không lo chuyển đổi cho mình, người tiêu dùng cũng không tự mình giác ngộ ra thì cũng sẽ ảnh hưởng rất tai hại khi giảm thuế. Có thể họ sẽ không bán các nguyên liệu đầu vào cho các DN nữa. Khi đó, các DN cần phải tỉnh táo để ứng phó kịp thời.

Phóng viên: Việc giảm thuế sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này sẽ làm cho hàng hóa phong phú, giá bán cũng sẽ giảm. Và khi đó người tiêu dùng sẽ được lợi?

Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Khi hàng bên ngoài nhập vào với thuế suất thấp, nhất là các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thì sẽ tạo thuận lợi cho việc sản xuất của các DN, giá thành giảm và vì thế giá bán sẽ giảm, do đó có thể cạnh tranh hơn khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Quy luật là như thế.

Tuy nhiên, theo tôi quan sát thì những tác động của hội nhập quốc tế, của tự do hóa thương mại đến thị trường thường thì rất rõ. Nhưng với người tiêu dùng, họ mong muốn giá sẽ giảm mạnh thì lại chưa thấy mấy, hoặc có nhưng chưa như kỳ vọng.

Tại diễn đàn về công nghiệp phụ trợ mới được tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam. Nếu không thay đổi thì rất khó phát triển. Bà nghĩ sao về nhận định này?

Tôi đồng ý với nhận định này. Khi nói về lao động giá rẻ, người ta phải tính tương đương với năng suất. Thuê 1 lao động mà phải trả lương cao nhưng người ta làm được nhiều việc, năng suất cao thì tốt hơn thuê 2 lao động giá rẻ. Hiện nay, lương trả cho người lao động đang tăng lên, trong khi năng suất lại giảm xuống. Nghịch lý này tạo thành gánh nặng cho chính DN, với Nhà nước là gánh nặng ngân sách.

Đối với ngành công nghiệp phụ trợ, khó khăn của nó một phần là lao động không có những kỹ năng cần thiết, năng suất cũng không đáp ứng được như hiện nay thì khó để các DN có động lực tiếp tục đầu tư. Đó là chưa kể đầu tư vào công nghiệp phụ trợ rất rủi ro. Nhiều khi họ đầu tư phải mất vài ba năm mới có thể hoạt động được, nhưng khi sản phẩm đưa ra thị trường thì lại mất khách hàng vì người tiêu dùng đã quay sang mua của nguồn khác. Nghĩa là việc đảm bảo thị trường lâu dài cho họ không có.

Rõ ràng như bà vừa nói thì còn rất nhiều hạn chế trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Có ý kiến cho rằng, đến năm 2018 sẽ có nhiều DN nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam vì các DN Việt không thể tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Bà có nghĩ như vậy không?

Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Việt Nam vẫn là nước có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, vẫn có thể cạnh tranh được với khu vực. Xét về thị trường, Việt Nam có lợi thế cho một số sản phẩm không phải cao cấp, giá rẻ.

Nhưng để thu hút được đầu tư, giữ chân được các DN nước ngoài thì chúng ta phải thay đổi một cách cơ bản chính sách kinh tế, tái cơ cấu một cách mạnh mẽ hơn. Chứ không, với tốc độ trì trệ như mấy năm vừa qua, thì không thể đảm bảo được đến năm 2018 Việt Nam có một nền kinh tế sẵn sàng hội nhập với những thách thức mới. Nếu chúng ta không sẵn sàng, thì đến lúc đó thách thức sẽ lãnh đủ, mà cơ hội sẽ mất đi. Đó sẽ là nguy cơ lâu dài cho nền kinh tế.

Xin cảm ơn bà.