Năm 2019: Kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá mạnh vào nửa cuối năm

PV.

Đó là những nhận định chung từ các chuyên gia kinh tế của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, Đại học Fulbright Việt Nam khi đánh giá về kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Nếu tăng trưởng kinh tế bình quân đều đặn 6,8%, Việt Nam sẽ mất 40 năm để từ một nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao, tức là thu nhập trên 10.000 USD. Nguồn: Internet
Nếu tăng trưởng kinh tế bình quân đều đặn 6,8%, Việt Nam sẽ mất 40 năm để từ một nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao, tức là thu nhập trên 10.000 USD. Nguồn: Internet

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho năm 2019, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Kinh doanh; Thành viên tổ Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng chưởng chậm lại trong 2 quý đầu năm và có thể bứt tốc trong quý 2 quý cuối năm 2019.  Về dài hạn, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong những năm tới đây, khoảng 6%.

TS. Nghĩa phân tích, tỷ trọng của công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP không thay đổi trong suốt 20 năm qua. Lực lượng lao động trong 20 năm qua khoảng 20 triệu lao động thì vào khu vực công nghệ khoảng 6 triệu, còn lại đều đi vào dịch vụ. Ngoài ra, giá trị gia tăng trên một lao động ở khu vực chế biến chế tạo đang có xu hướng giảm dần, nông nghiệp lại có xu hướng tăng lên.

Câu hỏi đặt ra là tiếp tục công nghiệp hóa hiện đại hóa hay đi vào dịch vụ? Đặt vấn đề này, TS. NGhĩa luận giải: Có những xu thế ngắn hạn cần chú ý, trong năm 2018 tăng trưởng mạnh trong quý 1, quý 2 và giảm dần, thậm chí thâm hụt trong quý III và quý IV ở các lĩnh vực như thặng dư thương mại, cán cân tài chính, tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo và vốn đăng ký nước ngoài.

Về thị trường tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương kiên quyết duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, chính sách tiền tệ không nao núng trước áp lực của tăng trưởng kinh tế. Từ nay trở đi, Ngân hàng Trung ương chỉ duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

"Đây là cuộc đấu tranh dai dẳng từ lâu, để Ngân hàng Trung ương có được chính sách độc lập trong dài hạn. Do đó, lạm phát của Việt Nam sẽ được kiểm soát vững chắc. Buộc kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng chất lượng, không còn tăng trưởng ở bề nổi" - TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam phân tích thêm: Tác động trực tiếp đến từ các dòng thương mại hàng hóa sẽ xảy ra trong năm 2019. Thuế trừng phạt từ Hoa Kỳ và thuế trả đũa từ Trung Quốc, các khoản thuế chủ yếu là hàng trung gian, linh phụ kiện từ Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ phần nhiều là hàng tiêu dùng sẽ được duy trì trong quý I và kéo dài sang quý II/2019.

Nếu năm 2019 tiếp tục duy trì chiến tranh thương mại, sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. So với năm 2018, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm khoảng 6.2 – 6.7%. Trong khi đó, nếu căng thẳng thương mại vẫn diễn ra, Hoa Kỳ sẽ khó đạt tốc độ tăng trưởng 2.9 - 3% trong năm 2019. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc đứng thứ 3 của Việt Nam, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu sẽ giảm đi, vì tác động suy giảm của 2 nền kinh tế này.

Tuy nhiên, một số ngành Việt Nam sẽ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là ngành cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc như tôm đông lạnh, vali, túi xách… Những ngành sẽ chịu cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường nội địa là những ngành Trung Quốc không xuất nhiều sang Mỹ mà xuất sang Việt Nam như hàng tiêu dùng, nhựa, cao su…

Về dòng vốn FDI, vốn đăng ký FDI trong năm 2018 sụt 18.5% so với năm 2017. Vấn đề làm sao để cho dòng vốn đăng ký FDI trong năm 2019 tăng trước sức ép của chiến tranh thương mại. Các tập đoàn từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… đang tính toán di dời sang nước thứ 3 và Việt Nam là điểm đến lý tưởng.

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế, ông Thành đặt ra câu hỏi tại sao lại tăng trưởng GDP là 7.08% mặc dù dịch vụ tăng thấp hơn so với năm trước?. So với 2017, tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ đều thấp hơn 2017. Lý do là do nông nghiệp tăng nhanh và được mùa. Đặc biệt năm 2018, quý 1 tăng trưởng quá tốt, nhờ Samsung tăng trưởng tốt, dược phẩm tăng là nhờ chính sách bảo hộ….

Động lực cho năm 2019, nhìn về phía tổng cầu, đầu tư công tăng nhanh gây lãng phí trong bất ổn vĩ mô. Vấn đề là làm sao để tăng lại được đầu tư công mà không gây bất ổn lãng phí. Kinh tế sẽ không tăng trưởng được nếu kiểm soát được lãng phí và tăng trưởng đầu tư công. Khi tăng trưởng đầu tư công, cơ hội kinh doanh cũng nhiều hơn.

Theo PGS..TS Nguyễn Đức Trung – Đại Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 từ 6,6 – 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4%, nếu tăng trưởng kinh tế bình quân đều đặn 6,8%, Việt Nam sẽ mất 40 năm để từ một nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao, tức là thu nhập trên 10.000 USD. Đây là một bài toán nan giải cho nền kinh tế Việt Nam để không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Nếu Fed tăng lãi suất thêm 2 - 3 lần nữa như dự kiến trong năm 2019, thì tỷ giá sẽ tăng khoảng 0.4%, lạm phát tổng thể Việt Nam sẽ tăng khoảng 0.06%.

"Khi thế giới biến động thì kinh tế Việt Nam biến động theo, điều này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao, dễ hấp thụ hơn đối với các cú sốc từ bên ngoài" - PGS., TS Nguyễn Đức Trung lưu ý.