Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Kinh nghiệm từ Singapore và đề xuất cho Việt Nam

ThS. Mạc Chí Công

Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới những năm qua cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang dần được cải thiện, song vẫn còn chậm và ở mức thấp, nhất là các yếu tố đào tạo giáo dục sau đại học và phát triển thị trường tài chính. Phân tích kinh nghiệm thực tiễn của Singapore và năng lực cạnh tranh nội tại của Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm từ Singapore

Được thành lập vào năm 1965, kể từ sau khi tách khỏi Malaysia, trong hơn 50 năm qua, Singapore đã có những bước phát triển ngoạn mục, trở thành một đất nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trong nhiều năm, Singapore luôn trong top đầu tại bảng xếp hạng GCI của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Có được thành công đó là nhờ Singapore đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả. Trong đó, nổi bật nhất phải kể tới như chiến lược về giáo dục và tài chính. Cụ thể:

Thứ nhất, trong lĩnh vực tài chính, kể từ năm 1968, Chính phủ Singapore đã thực thi hàng loạt chính sách thu hút và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư tài chính quốc tế, để hướng tới xây dựng “Thị trường đô la châu Á”. Các chính sách này hoạt động hiệu quả giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính vượt qua cả đối thủ gần nhất trong khu vực là Hong Kong. Đến năm 1990, Singapore trở thành 1 trong 4 trung tâm tài chính thế giới, chỉ sau London, New York và Tokyo. Hiện, Singapore đã là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á, với gần 115.000 người làm việc trong lĩnh vực này.

Dựa trên lợi thế về cơ chế luật lệ rộng mở, thông thoáng, minh bạch và việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giao dịch quốc tế, Singapore đã đem lại một sân chơi tuyệt vời để thu hút đầu tư của giới tài chính quốc tế, tạo ra một lượng lợi nhuận khổng lồ về cho Quốc đảo. Tăng trưởng của Singapore trong các năm qua trung bình đạt trên 10%, luôn ở top cao nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người đạt trung bình hơn 50.000 USD/năm, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo không quá lớn. Tuy thu nhập cao nhưng người dân Singapore nổi tiếng tiết kiệm và trở nên giàu có nhờ biết đầu tư những khoản tiền nhàn rỗi. Theo thống kê, có đến 10% người dân Singapore sở hữu 100 triệu USD trở lên.

Một điểm đáng chú ý là mục tiêu chính sách tài khóa của Singapore luôn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, không điều chỉnh theo chu kỳ hoặc phân phối thu nhập. Cụ thể, Chính phủ Singapore chỉ áp dụng 2 nguyên tắc chủ yếu: (i) Tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển; (ii) Chính sách thuế và chi tiêu công tập trung vào các lĩnh vực như khuyến khích tiết kiệm, đầu tư và doanh nghiệp…

Thứ hai, về giáo dục: Các nhà lãnh đạo Singapore quan niệm “thắng trong cuộc đua về giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế”. Vì vậy, Chỉnh phủ nước này luôn dành một khoản đầu tư lớn để phát triển giáo dục, từ 3%-5% GDP trong thập niên đầu của thế kỷ XI. Hiện nay đầu tư cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 10% GDP của Singapore.

Nền giáo dục Singapore đã trải qua 3 giai đoạn phát triển. Ở giai đoạn đầu, trọng tâm giáo dục là giải quyết nạn mù chữ và đảm bảo tất cả mọi người dân đều có khả năng đọc và viết. Ở giai đoạn thứ 2, Singapore chuyển lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường lao động quốc tế, từ chi phí lao động thấp đến chất lượng lao động cao và chính sách lương tốt. Vì vậy, trọng tâm của chính sách giáo dục quốc gia chuyển từ xóa mù chữ sang học tập tiến tới tiêu chuẩn toàn cầu.

Bên cạnh đó, Singapore còn thành lập Viện Phát triển Các chương trình giảng dạy của Singapore để hỗ trợ sự phát triển nhu cầu học tập của các đối tượng khác nhau. Trong những năm 1990, Singapore đã thực hiện chương trình “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập”. Đây cũng là giai đoạn phát triển thứ 3 của giáo dục Singapore. Trong giai đoạn này, Singapore đã tập trung vào củng cố chất lượng giáo dục, chú trọng giảng dạy, truyền thụ kỹ năng nghề nghiệp và phát triển khả năng tư duy của học sinh. Singapore không ngừng học tập và áp dụng các mô hình giáo dục hiệu quả của thế giới vào giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, Singapore còn khuyến khích các công ty tư nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nhà nước áp dụng nhiều chính sách nhằm khuyến khích các công ty tự tổ chức các khóa đào tạo hoặc dạy nghề cho nhân viên và công nhân trong quá trình làm việc. Singapore chỉ đầu tư vào rất ít trường công lập để có chất lượng mẫu mực. Đối với khối ngoài công lập, Chính phủ tạo điều kiện để phát triển, khuyến khích việc liên thông, liên kết với nước ngoài, mời gọi các đại học quốc tế có uy tín tham gia đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước…

Thứ ba, sớm nhận thức rõ sự nguy hiểm của tham nhũng, Singapore đã luôn duy trì hệ thống chính phủ điện tử ở mức độ cao. Mọi hoạt động của người dân liên quan đến bộ máy công quyền, đều có thể giải quyết thông qua hệ thống điện tử tự động từ trên xuống dưới. Điều này giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất chi phí và các hành vi tham nhũng, hối lộ.

Thực tế của Việt Nam

Bảng xếp hạng GCI hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, thứ hạng của Việt Nam liên tục cải thiện về điểm số. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam theo đó cũng có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ vị trí 75 giai đoạn 2012-2013 lên vị trí 56 giai đoạn 2015-2016. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy nỗ lực cải cách nền kinh tế của Chính phủ đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém, gây cản trở đến việc rút ngắn khoảng cách trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước trên thế giới và nhất là trong khu vực ASEAN. Điều này một phần thể hiện trong Bảng xếp hạng GCI năm 2016-2017, mặc dù điểm số GCI có nhỉnh hơn so với năm trước, song xếp hạng của Việt Nam lại bị lùi 4 bậc, xuống vị trí 60 trên 138 quốc gia xếp hạng (Bảng 1).

Nguyên nhân là do các chỉ số thành phần không được đánh giá cao. Trong đó, 2 chỉ số thường xuyên bị đánh giá khá thấp là giáo dục sau đại học và thị trường tài chính.

- Về thị trường tài chính: Thời gian qua, thị trường tài chính của Việt Nam phát triển chưa ổn định. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, quá trình xử lý nợ xấu còn chậm và chưa triệt để. Cụ thể, việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) diễn ra chậm, kết quả thu hồi nợ thấp, có 228 ngàn tỷ đồng tài sản xấu vẫn đang nằm chờ xử lý tại thời điểm cuối quý III/2016.

Tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng diễn ra chậm. Trong số 9 ngân hàng tái cơ cấu bắt buộc đợt 1, ngoại trừ TPBank thành công, còn hầu hết đang rất khó khăn và vẫn đang gồng sức tái cơ cấu như SCB, GPBank… Nhiều trường hợp yếu kém khác đã xuất hiện như Dong Bank, Ocean Bank… Riêng với các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (GPBank, Ocean Bank), việc xử lý vẫn đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian và công sức. Đó là chưa kể tình trạng tín dụng “đen” đang bùng phát mạnh mẽ, dấu hiệu cho thấy mức độ tiếp cận với “tín dụng chính thức” của người dân vùng nông thôn vẫn còn rất hạn chế...

- Về giáo dục: Mặc dù, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế song kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Giáo dục - đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập chậm được khắc phục; Chất lượng giáo dục còn thấp, quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa gắn chặt với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp; Chưa phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên; Cơ cấu trình độ đào tạo ở Việt Nam hiện nay được coi là mất cân bằng nghiêm trọng.

Bởi vì, số lượng các trường đại học hiện nay chỉ tập trung phát triển về số lượng, chưa chú trọng đến vấn đề quản lý chất lượng, khiến cho tỷ lệ người theo học đại học cao hơn hẳn so với những người mong muốn trở thành công nhân kỹ thuật lành nghề ở nước ta; Định hướng liên kết với nước ngoài trong phát triển giáo dục còn nhiều lúng túng, chưa xác định rõ phương châm... Thực trạng này đã khiến cho nguồn nhân lực Việt Nam yếu, nhất là ngoại ngữ và các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, thuyết trình, đàm phán...) khó có thể hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua kinh nghiệm của Singapore, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

- Đối với thị trường tài chính.

Việt Nam cần tập trung vào phát triển các tổ chức tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả hơn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là theo Basel II và tiến tới Basel III. Nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh để có 1-2 ngân hàng thương mại đạt trình độ trung bình trong khu vực. Công tác xử lý nợ xấu cần thực hiện triệt để cũng như chủ động ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh thông qua việc nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường năng lực tài chính thông qua tăng vốn chủ sở hữu và giữ các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn ở mức phù hợp. Đồng thời, cần hoàn thiện, thay đổi cơ chế quản trị điều hành theo hướng công khai, minh bạch hóa để tăng niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng, tối ưu hóa các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp của quốc tế...

- Đối với lĩnh vực giáo dục.

Cần có sự thay đổi một cách mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức giáo dục đại học như: Thay đổi cách tuyển sinh, lựa chọn “đầu vào” theo hướng thoáng hơn, cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh và chịu trách nhiệm với người học bằng chính “uy tín” đào tạo của mình; Cho phép hình thành nhiều mô hình đào tạo đại học khác nhau, kiểm soát chặt chẽ “đầu ra” của mỗi cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng chung…

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế, tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh giá khoa học và các hoạt động về chuyên môn tại các cơ sở giáo dục đại học. Trước mắt, Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần có các cơ chế chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và tích cực công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học quốc tế. Về lâu dài, cần đặt ra lộ trình tiến tới quốc tế hóa tiêu chuẩn đánh giá các hoạt động khoa học và về chuyên môn trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học; đồng thời, cần coi đây là giải pháp quan trọng để đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế.     

Tài liệu tham khảo:

1. Mai Trọng Nhuận (2005), Báo cáo kết quả đoàn công tác tại Singapore, Đại học Quốc gia Hà Nội;

2.Trịnh Xuân Thắng (2014), Kinh nghiệm đào tạo nhân lực của một số quốc gia trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam;

3. Lê Hiền (2015), Bảy bài học từ người láng giềng Singapore.