Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

ThS. Lê Thị Thanh Huyền

Ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong thời gian tới với mục tiêu đến năm 2025, logistics sẽ trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng ngành Logistics của Việt Nam

Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng  20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Dịch vụ logistics trong những năm qua là từ 16 - 20%/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 16 - 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Thống kê mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 DN logistics đang hoạt động, bao gồm cả DN có vốn nước ngoài. Các DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, vẫn có những DN lớn như: Công ty Transimex Saigon, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Vietrans, Vietfracht...

Về thị trường, khoảng 52% công ty cung cấp dịch vụ logistics nước ta có quan hệ làm ăn với thị trường Hoa Kỳ, 47% với Liên minh châu Âu (EU), 63% với các nước ASEAN, 57% với thị trường Nhật Bản, 49% với thị trường Trung Quốc và 43% với thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên, ngành Logistics hiện đang phải đối diện với không ít thách thức. Thống kê cho thấy, DN logistics nội chiếm hơn 80% tổng số DN kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng... Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

Một thách thức khác đặt ra là theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2014, hầu hết được dỡ bỏ, cho các DN nước ngoài gia nhập thị trường với mức vốn 100%. Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP/năm, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc hay Thái Lan, gây lãng phí nhiều nguồn lực trong nước. Tình trạng thiếu đồng bộ của kết cấu hạ tầng cho ngành Logistics đã hạn chế sự phát triển của hoạt động logistics. Đó là chưa kể vấn đề hệ thống pháp luật vẫn còn chưa thật sự rõ ràng, minh bạch, còn chồng chéo. Vẫn chưa có sự hiểu biết một cách đầy đủ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý liên quan.

Giải pháp phát triển dịch vụ logistics thời gian tới

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành Dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt từ 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống từ 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Để hiện thực hoá các mục tiêu cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động, trong đó cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, hoàn thiện chính sách pháp luật về logistics. Theo đó, bổ sung, sửa đổi nội dung về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại nhằm cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics; Kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới; Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm kiến nghị các biện pháp đảm bảo tránh xung đột trong cam kết về logistics tại các diễn đàn quốc tế, tránh xung đột giữa cam kết quốc tế về logistics với pháp luật trong nước. Xây dựng phương án đàm phán cam kết về dịch vụ logistics tại các FTA trong tương lai.

Hai là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

Ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics và phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới.

Ba là, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ. Khuyến khích DN trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics; Khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics; Hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics; Hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics…

Bốn là, phát triển thị trường dịch vụ logistics. Chủ động đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics; Tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics; Tổ chức các đoàn nghiên cứu ra nước ngoài và mời các đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics; Tăng cường liên kết với các hiệp hội và DN dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới; Thu hút đông đảo DN logistics nước ngoài đến làm ăn, hợp tác với DN Việt Nam…       

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam;

2. Nguyễn Duy Minh (2016), Ngành dịch vụ logistics trước yêu cầu hội nhập sâu rộng của Việt Nam, Tạp chí Giao thông Vận tải tháng 6/2016;

3. Bạch Dương (2017), “Bước đột phá phát triển logistics” đón đầu các FTA thế hệ mới, Thời báo Kinh tế Việt Nam;

4. Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016, Thời báo Kinh tế Việt Nam.