Chủ tịch VCCI

Năng lực cạnh tranh Việt Nam thăng hạng nhờ nỗ lực cải cách thể chế

Theo Khánh Linh/reatimes.vn

Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2019, đứng vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.

Năng lực cạnh tranh Việt Nam thăng hạng nhờ nỗ lực cải cách thể chế thời gian qua. Nguồn: internet
Năng lực cạnh tranh Việt Nam thăng hạng nhờ nỗ lực cải cách thể chế thời gian qua. Nguồn: internet

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI). Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm. Đặc biệt, WEF ghi nhận Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng này.

"Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua", ông Lộc nói ngay sau khi có thông tin.

Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng chỉ số này có thể kể đến khá nhiều.

Đó là, các nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; Những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; Thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương...

"Dù con đường cải cách còn chông gai, hành trình cải cách còn nhiều việc phải làm, nhưng những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh ở Việt Nam mấy năm qua đã gặt hái những chùm quả ngọt", ông Lộc nói.

Kết quả của những thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước, cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước trào lưu của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

"Chắc chắn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự thăng hạng này", ông Lộc nói.

Thực tiễn đã chứng minh, dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt. Việc thăng hạng của Việt Nam trong cuộc đua tranh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế tế toàn cầu là sự cộng hưởng của 2 yếu tố này, là đôi cánh để nền kinh thế Việt Nam bay lên.

Báo cáo năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đưa ra thông điệp đáng chú ý là nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu sự tương quan giữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sự phát triển bền vững, giữa năng lực cạnh tranh và mức độ gắn kết xã hội và cho thấy rằng không nhất thiết phải có sự đánh đổi giữa thành tựu kinh tế và phát triển bền vững, giữa câu chuyện thành công trong kinh tế và các vấn đề xã hội.

Một nền kinh tế hoàn toàn có thể hướng đến và đạt được cả các mục tiêu này. Đây cũng là một khẳng định định hướng, xu hướng đúng đắn mà Chính phủ Việt Nam đang kiên định theo đuổi.