"Nghị quyết 11 của Chính phủ - Cơ hội tái đầu từ, hướng đến hiệu quả"

Theo VnEconomy

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh bên lề buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra mới đây.

Năm 2008 hoàn toàn khác

Chính sách thắt chặt đầu tư được đưa ra tại Nghị quyết 11 sẽ ảnh hưởng tăng trưởng như thế nào, thưa ông?

Hiện chúng tôi chưa tính cụ thể, còn phải xem lại việc rà soát lại vốn đầu tư nhưng tinh thần là năm nay điều hành không nặng về vấn đề tăng trưởng, tập trung cao độ cho kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là trên hết.

Tất nhiên, tăng trưởng còn có liên quan đến việc làm, nếu mình để tăng trưởng trì trệ, giảm quá thì việc làm sẽ ảnh hưởng. Phải cân nhắc đến việc đó, nên cũng không phải hy sinh hoàn toàn tăng trưởng mà duy trì tăng trưởng hợp lý.

Tôi thì tôi đoán là phải bảo đảm tăng trưởng khoảng 6,5-7% là hợp lý. Quốc hội quyết 7-7,5% nhưng mức chấp nhận được là khoảng 6,5-7% thì bảo đảm được việc làm. Rồi thì quan trọng nhất là bảo đảm nguồn vốn vào sản xuất.

Bởi vì nó là tính chu kỳ thôi, nếu anh không cho sản xuất phát triển, không đảm bảo hàng hóa ra thì ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa.

So với năm 2008 thì tình hình hiện nay như thế nào, thưa ông?

Năm 2008 hoàn toàn khác với bây giờ, bởi vì sau năm 2008 thì có một thời kỳ giá cả đi xuống. Bây giờ thì từ năm 2010 xu hướng giá cả thế giới tăng, đặc biệt là giá dầu hiện nay rất cao, khoảng 100 USD/thùng. Do khủng hoảng ở khu vực Trung Đông nên giá dầu được dự báo còn tiếp tục tăng.

Năm 2008 thì có vấn đề chúng ta dư ngoại tệ, hồi đó chúng ta phải bỏ tiền ra để mua 9 tỷ USD thu ngoại tệ vào, trong khi lúc đó tỷ giá hối đoái là đồng tiền Việt lên giá. Bây giờ đồng tiền lại thiếu ổn định, thị trường thiếu lòng tin vào đồng tiền Việt làm cho tỷ giá chưa ổn định. Cho nên, chúng ta phải củng cố đồng tiền Việt.

Với việc điều chỉnh giá điện, than, xăng dầu và lương thuộc chi phí đầu vào sản xuất, được cho là có đóng góp vào lạm phát khoảng 2% trong năm nay, liệu Bộ có tính đến kịch bản phải điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát?

Hiện nay trong báo cáo của chúng tôi chưa đề xuất. Chúng tôi còn tiếp tục theo dõi tiếp.

Thực ra phải đặt vấn đề thế này, chúng ta đang theo định hướng thị trường, không thể để giá xăng dầu thấp vì vừa rồi tôi gặp một số bạn bè bên nước ngoài thì người dân không mua ở nước họ mà đến biên giới để mua. Nếu chúng ta nâng lên thì có vấn đề về buôn lậu.

Tương tự như vậy với điện, nếu chúng ta để giá thấp thì vấn đề thu hút đầu tư rất khó, Mặt khác các nhà đầu tư vào thì dùng công nghệ lạc hậu để sử dụng giá điện rẻ, thì nó bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên ở đây có hai mặt, các nhà đầu tư điện phải rà soát lại chi phí, nâng cao năng suất lao động vì hiện năng suất lao động của mình thấp. Chứ không phải lúc nào thấy khó khăn thì nâng giá điện. Vấn đề là như thế. Cho nên tôi cho là phải làm nhiều việc.

Cơ hội tái cơ cấu đầu tư

Cụ thể là việc rà soát đến nay đã thực hiên như thế nào?

Hiện chúng tôi đang chuẩn bị 11 đoàn đi các nơi rà soát. Hiện nay chúng tôi đang có văn bản gửi đi các bộ, các ngành rồi. Tình thần là các bộ, các ngành sẽ rà soát trước, tuần sau thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cử các đoàn đi các địa phương và các tập đoàn kinh tế, trong đó 9 đoàn đi các địa phương và 2 đoàn đi các tập đoàn kinh tế.

Sau đó chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ và lúc ấy sẽ công bố.

Việc cắt giảm sẽ theo tiêu chí nào, thưa ông?

Chúng tôi có tiêu chí. Đối với dự án chưa có quyết định đầu tư, không được khởi công móng mới, dự án kéo dài quá mức, dự án khả năng còn lâu mới hoàn thành thì sẽ cắt giảm, sẽ đình hoãn. Còn dự án nào mà năm nay, sang năm có thể hoàn thành thì đẩy nhanh vốn để thực hiện. Các tiêu chí rất rõ rồi.

Khoản chuyển nguồn và ứng vốn được cho là nằm trong tay Chính phủ có thể cắt giảm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những tính toán cụ thể về khoản tiền này chưa, thưa ông?

Các năm trước thường thường tạm ứng 30% mức vốn của năm sau. Nếu chúng ta không cho tạm ứng nữa thì coi như cắt giảm 30% này.

Với chuyển nguồn thì trước đây vốn các năm trước chưa thực hiện hết cho chuyển sang. Ví dụ như năm 2009 chúng ta có khoảng 8 nghìn tỷ đồng trái phiếu, có 20 nghìn tỷ đồng vốn của năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang, tức là 28 nghìn tỷ đồng. Như thế thì phần tiền chuyển nguồn từ năm trước cũng rất lớn, thông thường khoảng 10-15% vốn.

Năm nay, với việc thắt chặt đầu tư, không cho chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau và không cho ứng trước năm sau vào năm trước như thế thì giảm lượng tiền rất lớn, tôi dự báo là khá cao. Như thế, đòi hỏi các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải sắp xếp lại, cơ cấu lại dự án.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu đầu tư, những dự án nào không hiệu quả, dự án dài lê thê phải cắt giảm. Đây cũng là một chủ trương của Chính phủ trong tái cơ cấu kinh tế. Tức là trong cải rủi cũng có cơ hội của nó.

Với khoản trái phiếu phát hành thêm thì năm nay có thay đổi gì với năm ngoái, thưa ông?

Thực ra, vốn trái phiếu năm nay là 45 nghìn tỷ đồng, so với năm ngoái đã giảm đi rất nhiều rồi. Năm ngoái chúng ta có 56 nghìn tỷ đồng thì với con số 45 nghìn tỷ đồng của năm nay Chính phủ đã có chủ động cắt giảm.

Tuy nhiên, năm ngoái chúng ta còn có vốn trái phiếu của năm trước chuyển sang, 8 nghìn tỷ đồng nữa là 64 nghìn tỷ đồng. Năm nay chúng ta không cho ứng trước, không cho chuyển nguồn thì giảm rất nhiều.