Bế mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Chiều 19/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 31 sau 3,5 ngày làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cho ý kiến, xem xét, quyết định đối với 5 nhóm nội dung lớn

Phát biểu bế mạc phiên họp, điểm lại những kết quả cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét, quyết định đối với 5 nhóm nội dung lớn. 

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý, tiếp thu 7 dự án luật gồm: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Từng dự án luật đã có kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách điều hành phiên thảo luận về từng nội dung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành sớm các kết luận để các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chuẩn bị tiếp một số nội dung, hoàn thành nhanh nhất để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 28.3 tới.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

"Các ủy ban của Quốc hội được giao trách nhiệm thẩm tra, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hoàn thiện bảo đảm chất lượng cao nhất các dự án luật này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đồng ý ban hành 2 nghị quyết về thành lập, sắp xếp 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Căn cứ các ý kiến và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật sớm hoàn thành 2 dự thảo nghị quyết để ký ban hành, làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện.

Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2/2024.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về công tác nhân sự của Thường trực các Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Tư pháp. Đây là các nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phiên chất vấn đã đạt được yêu cầu đề ra và thành công rất tốt đẹp.

Trên cơ sở diễn biến phiên chất vấn, các báo cáo của các bộ và ý kiến phát biểu kết luận phiên chất vấn của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sớm ban hành, làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện.

Rà soát, phân định nội dung cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng

Sau Phiên họp thứ 31, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vẫn còn rất nhiều công việc phải triển khai trong tháng 3 và tháng 4 như: Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của HĐND, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phiên họp chuyên đề pháp luật...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã có văn bản đề nghị rút một nội dung ra khỏi dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Bảy, đồng thời bổ sung các nội dung mới. Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội khẩn trương làm việc với các đầu mối của Chính phủ nhằm rà soát kỹ lưỡng các nội dung.

"Trên cơ sở rà soát, cần phân định ra những nội dung nào cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể làm được ngay thì đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Bảy; những nội dung nào chưa chuẩn bị kịp thì chúng ta giãn tiến độ, đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám để bảo đảm tính khả thi và chất lượng của các dự án luật, dự thảo nghị quyết". 

Các đại biểu dự phiên họp
Các đại biểu dự phiên họp

Nhấn mạnh yêu cầu trên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội cần hết sức khẩn trương, sắp xếp khoa học, hợp lý để giải quyết được tất cả các công việc ưu tiên. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan bám sát chương trình, kế hoạch; tổ chức công việc khoa học; phân công, phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung nỗ lực với quyết tâm cao độ để bảo đảm tiến độ nhưng cũng phải rất kỹ lưỡng, chất lượng.

“Ưu tiên quan trọng nhất là chất lượng các dự án luật”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn