Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thép
Những năm qua, ngành Thép Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, giữ vai trò quan trọng trong ngành Thép khu vực và ngày càng cải thiện vị trí trên thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cũng đặt ra cho ngành Thép Việt Nam nhiều sức ép, đòi hỏi các doanh nghiệp thép phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy nội lực, tăng cường hợp tác để thúc đẩy ngành Thép Việt Nam tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững.
Thực trạng ngành Thép Việt Nam
Những kết quả nổi bật
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, ngành Thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành Thép khu vực Đông Nam Á; đồng thời, cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu thép trong khu vực.
Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), năm 2015, sản lượng sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt khoảng 15 triệu tấn, thép thô là 6,1 triệu tấn – tương đương khoảng 0,4% sản lượng thép thô toàn thế giới (được xếp thứ 24). Xét về xuất nhập khẩu, trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 16,3 triệu tấn thép (đứng thứ 7 thế giới) và xuất khẩu 1,4 triệu tấn thép.
Nếu xét về số lượng thép nhập khẩu thuần, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn thép các loại, tăng 18,1% so với năm 2015, trong đó riêng thép thành phẩm là 3,48 triệu tấn, tăng hơn 30% so với năm 2015.
Tổng các loại sản phẩm thép sản xuất đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm 2015, trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ thép các loại trong nước đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015. Tính toàn ngành Thép trong nước, quy mô năm 2016 chiếm khoảng 5% GDP Việt Nam. Đối với hoạt động xuất khẩu, Việt Nam đang đứng ở vị trí số 1 của khu vực ASEAN về xuất khẩu thép thành phẩm.
Khó khăn và hạn chế
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, thực tiễn cũng cho thấy, ngành Thép Việt Nam vẫn còn có nhiều hạn chế và bất cập. Phần lớn các chuyên gia kinh tế và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, ngành Thép vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Hiện nay, sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhưng Việt Nam vẫn đang nhập khẩu rất nhiều thép, chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa cung ứng được như thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo…
Theo VSA, năm 2016, tổng năng lực sản xuất ngành Thép Việt Nam lên đến 22 triệu tấn (gồm thép xây dựng 10,8 triệu tấn/năm: Thép ống hàn 2,11 triệu tấn; tôn mạ các loại 4 triệu tấn; thép CRC 4,8 triệu tấn) nhưng tổng sản lượng sản xuất của các DN thép chỉ khoảng 17,1 triệu tấn, đạt 77% công suất thiết kế toàn Ngành. Phần lớn các nhà máy hiện nay sử dụng công nghệ đã lỗi thời với quy mô sản xuất nhỏ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Công nghệ lạc hậu cũng làm giảm tính cạnh tranh của ngành Thép trong nước. Theo số liệu của VSA, năm 2015, hơn 2/3 nhà máy sản xuất thép dài trong nước sử dụng các thiết bị sản xuất lạc hậu, gây hao phí và ô nhiễm môi trường. Nhiều công ty sử dụng lò dung tích nhỏ (chưa tới 100 m3) thấp hơn nhiều so với dung tích bình quân hàng nghìn mét khối của Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong luyện phôi trước đây, công nghệ lò EAF được ưu tiên sử dụng do yêu cầu về vốn đầu tư thấp, công nghệ lò BOF chỉ mới được ứng dụng từ năm 2012. Việc phát triển các lò EAF làm giá thành các sản phẩm thép cao hơn so với việc sản xuất bằng lò BOF. Đây là một hạn chế trong khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) thép nội địa với thép nhập khẩu. Bên cạnh đó, do công nghệ lạc hậu nên thời gian luyện một mẻ thép ở nước ta cũng nhiều gần gấp đôi so với trung bình trên thế giới.
Ngành Thép Việt Nam chỉ mới khép kín được chuỗi giá trị của thép dài, còn thép dẹt vẫn chỉ mang tính chất gia công. Từ năm 2016 trở về trước, công suất cán thép dẹt liên tục gia tăng trong khi năng lực luyện phôi hầu như không có. Các DN tôn mạ nội địa chỉ tham gia vào công đoạn cán thép nên giá trị gia tăng không cao.
Hơn nữa, cánh cửa hội nhập càng rộng mở, đang đặt ra cho các DN ngành Thép không ít sức ép cạnh tranh. Thuế suất nhập khẩu hàng hóa bằng 0%, thép nước ngoài nhập khẩu có cơ hội tràn vào nhiều hơn, trong khi đó thị trường xuất khẩu cũng gặp khó khăn bởi biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều quốc gia.
Một ví dụ điển hình thời gian qua là lượng phôi thép và thép dài Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta tăng vọt, khiến ngành Thép trong nước hết sức khó khăn. Ngành Thép trong nước đã phải chật vật đối phó với một khối lượng lớn thép Trung Quốc giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố gian lận thương mại, những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc đối với thép, theo các chuyên gia, giá thành sản xuất của thép Trung Quốc thực sự rất cạnh tranh và về lâu dài, sức ép của thép nhập khẩu vẫn rất lớn.
“Làn sóng” thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn tới ngành Thép Việt Nam thực tế cũng là hồi chuông cảnh báo để các DN ngành Thép phải thực sự đặt lên bàn cân những yếu tố liên quan đến bài toán chi phí sản xuất để có sự cải tổ, thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là cứu cánh tạm thời khi có những biến động bất thường.
Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời đối với hai mặt hàng trên (chủ yếu từ Trung Quốc), nhằm ngăn chặn “làn sóng” nhập khẩu ồ ạt. Đây là động thái cần thiết, kịp thời, tuy nhiên, nếu ngành Thép không có chiến lược đối phó lâu dài và bền vững thì nguy cơ đổ vỡ sẽ vẫn hiện hữu.
Cùng với áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm sắt thép nhập khẩu, các sản phẩm sắt thép trong nước cũng hết sức chật vật khi “lách” qua cánh cửa hẹp xuất khẩu, xuất khẩu thép ngày càng khó khăn do vấp phải các rào cản, phòng vệ thương mại từ các nước. Trong khi đó, hầu hết các DN thép nhỏ và cơ sở sản xuất chưa áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 14001… Đây là một hạn chế với các DN khi cần quản lý chặt về chất lượng, chi phí sản xuất.
Sản xuất phôi thép, HRC chính là điểm khuyết trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Cùng với đó, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Đó là nguyên do mà năm 2016, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 17,5 triệu tấn thép thành phẩm, trong đó nhiều nhất là thép hợp kim (46%) và thép tấm lá đen (32%).
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành Thép
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Thép, các DN thép trong nước cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần thúc đẩy ngành Thép Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định.
Thứ nhất, các DN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng việc tăng cường phân tích dự báo thị trường, tổ chức sản xuất, kinh doanh linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường. Vấn đề hiện nay của các DN trong ngành Thép là nên mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng như phân khúc HRC.
Nếu các DN làm ống thép có thể tiến tới sản xuất được HRC, tiềm năng tăng trưởng sẽ rất rộng mở. Cần khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị Ngành, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ. Song song với đó là tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín, giúp nâng cao hiệu quả, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu.
Thứ hai, trong giai đoạn hiện nay, các DN thép nên đầu tư theo chiều sâu. Nhiều DN thép trong nước đang có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, nhiều DN thép Trung Quốc cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam. Việc đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất là cần thiết, tuy nhiên, các DN chỉ nên đầu tư sản xuất những dòng sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được, như phôi thép hoặc sản phẩm thép tấm cán nóng, thép chế tạo... để hình thành dây chuyền sản xuất khép kín. Còn với các sản phẩm tốp cuối như tôn mạ, thép xây dựng... các DN cần hết sức thận trọng.
Thứ ba, để sẵn sàng cạnh tranh, các công ty trong ngành Thép cần phải liên tục cải tiến, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Cần chủ động nâng cao nội lực, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, từ đó xây dựng ngành Thép đồng bộ, hiện đại. Điều này góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về phòng vệ thương mại, có kế hoạch chuẩn hoá, chuẩn bị tốt các số liệu cho các cơ quan điều tra trong và ngoài nước.
Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ nhân lực trong các DN, trước hết, là người đứng đầu DN. Đứng trước những cơ hội thị trường, DN có phát triển được hay không phần lớn phụ thuộc và nhận thức, trình độ và quyết tâm của những người lãnh đạo.
Vì vậy, để các DN sản xuất kinh doanh thép phát triển tốt thì những người đứng đầu DN cần trang bị nhiều kiến thức về kinh doanh, thị trường về lĩnh vực thép, cập nhật tình hình từ thị trường thép trong nước và thế giới; Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn phục vụ công việc.
Thứ tư, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức từ phía cộng đồng DN. Khi bị áp dụng phòng vệ thì chính các DN trong Ngành phải hợp tác với nhau chặt chẽ. Để tăng sức cạnh tranh, các DN thép trong nước cần hợp tác, cùng nhau xây dựng một ngành Thép phát triển bền vững, hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Để tăng cường hợp tác trong sản xuất kinh doanh thép, cần phát huy vai trò của Hiệp hội sản xuất – kinh doanh thép Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác giữa các DN.
Hiệp hội cần phải tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thép, tạo điều kiện cho các cơ sở đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm tốt công tác xây dựng và phát triển ngành sản xuất kinh doanh thép Việt Nam. Hiệp hội có thể tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, báo cáo chuyên đề, tọa đàm trao đổi ý kiến, tập huấn và hỗ trợ đào tạo, thực tập, tham quan trong và ngoài nước để các DN thép có cơ hội học tập, giao lưu làm việc cùng nhau.
Thứ năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành Thép Việt Nam trong thời gian đầu để tăng năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ mới; hiện đại hóa công tác quản trị kinh doanh, thị trường... Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, các DN, nhất là DN tư nhân trong nước đã phát triển rất mạnh, hoàn toàn có đủ khả năng đầu tư ở mọi quy mô công nghệ và hoạt động có hiệu quả.
Vì thế, hiện tại, không nên ưu tiêu thu hút đầu tư đối với các DN FDI vào ngành Thép. Nếu vẫn thu hút đầu tư FDI vào ngành Thép thì nên là hình thức liên doanh, liên kết với DN trong nước.
Thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành công nghiệp, xây dựng nên cần giữ được vai trò chủ đạo với ngành này. Không ngoại trừ khả năng việc một số DN nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất thép ở Việt Nam với mục đích “mượn thị trường” Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm, tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam; đồng thời tránh thuế chống bán phá giá khi xuất sang các thị trường khác.
Thứ sáu, để sản phẩm thép trong nước nâng cao được sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước như: Sớm xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại… nhằm kiểm soát và ngăn chặn nhập khẩu tràn lan các mặt hàng mà ngành Thép trong nước đã sản xuất được; ngăn chặn nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, chống gian lận thương mại, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước...
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp hội Thép Việt Nam, http://vsa.com.vn;
2. Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Nhật Hoàng (2017), Báo cáo ngành Thép, (http://static1.vietstock.vn);
3. Đỗ Thị Thúy Phương (2017), Giải pháp tăng cường sự hợp tác giữa các DN sản xuất kinh doanh thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 241, tháng 7/2017;
4. Các trang web: http://baocongthuong.com.vn; http://www.baohaiquan.vn; http://nhandan.com.vn; http://www.vnsteel.vn.