Thay đổi tư duy, nhận thức trong lựa chọn FTA theo hướng “có hiệu quả”

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Việt Nam hiện là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, “đây là thành công lớn của Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập nền kinh tế”. Song theo ông, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, nhận thức trong lựa chọn FTA theo hướng “có hiệu quả”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Định hình lại tư duy về kinh doanh

Với 16 FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia, trong đó 10 FTA có hiệu lực, ở góc độ là người làm công tác nghiên cứu như ông, con số này nói lên điều gì?

Ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công thương
Ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công Thương

Ông Lê Huy Khôi: Trước hết, chưa vội đánh giá về hiệu quả của từng FTA mang lại, tôi cho rằng với việc đàm phán, ký kết và thực thi số lượng lớn FTA như vậy đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam để phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị tốt hành trang sẵn sàng tham gia vào bất kỳ sân chơi lớn nào trong tương lai.

Các FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, các FTA đã tạo điều kiện thương mại thuận lợi từ các đối tác để Việt Nam khai thác tốt hơn lợi thế so sánh. Đây là nấc thang quan trọng để Việt Nam bước tiếp lên các nấc thang liên kết và hội nhập quốc tế cao hơn, sâu hơn trong tương lai.

Thêm vào đó, tư duy của người dân và doanh nghiệp đã thay đổi một cách tích cực trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh mang tính chiến lược dài hạn đã được hình thành trong các doanh nghiệp thay vì tư duy tự phát như trước đây.

Đây là những giá trị mang tính cốt lõi, tạo nền tảng cho sự phát triển về sau này, thay vì những giá trị thể hiện trước mắt như tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài…

Vậy ở thời điểm này, nền tảng ấy đã vững chắc chưa, thưa ông?

Như tôi đã phân tích ở trên, cái được lớn nhất từ mở cửa, hội nhập và tham gia vào các FTA cả song phương và đa phương đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh cho Việt Nam và góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy của người dân, doanh nghiệp. Đó thực sự là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh.

Vẫn còn tâm lý “chờ xem rồi tính”

Nhưng thực tế, mới chỉ có khoảng trên dưới 40% doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội do FTA mang lại, vậy có mâu thuẫn với việc chúng ta đã có nền tảng vững chắc cho phát triển như ông nói không?

Chúng ta cần nhận thức rõ ràng và minh bạch hai vấn đề cơ bản, đó là: Về phía Nhà nước, có thể nói việc tham gia vào các FTA đã tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo cơ hội rõ ràng cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, xét về phía doanh nghiệp, việc có thể tận dụng được những cơ hội để thâm nhập, mở rộng và phát triển hay không lại phụ thuộc vào khả năng nội tại của chính họ.

Thực tế hiện nay, đang có sự “lệch pha” khi Nhà nước nỗ lực “mở đường” cho doanh nghiệp vươn ra thế giới thì cộng đồng doanh nghiệp lại đang “chậm nhịp” và chưa thực chuẩn bị tốt cho sự bứt tốc.

Ông lý giải sự “lệch pha” này thế nào?

Việc tham gia vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, nội dung vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư, bao gồm cả thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ… sẽ tác động rất mạnh tới thể chế và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp và hàng hóa cũng như dịch vụ của Việt Nam.

Trong khi đó, quá trình tham gia các FTA của chúng ta còn luôn ở tình trạng bị động, chưa có nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, thiếu định hướng và sự chỉ đạo sâu sát cũng như phối hợp của các ngành, các cấp.

Hệ thống pháp luật và năng lực quản lý trên một số lĩnh vực trực tiếp liên quan đến FTA còn nhiều bất cập. Năng lực cạnh tranh và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam còn hấp dẫn; nguyên tắc đàm phán kín nên luôn có độ trễ lớn khi các FTA có hiệu lực thực thi đã dẫn đến khả năng tận dụng và khai thác ưu đãi từ các FTA còn thấp...

Mặt khác, các doanh nghiệp vẫn còn mang tâm lý khá thụ động với tư duy “chờ xem để rồi tính”, trong khi các FTA, nhất là FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì không chờ đợi bất cứ ai.

Chúng ta mới chỉ nhìn xuôi

Lâu nay, dường như thước đo một FTA hiệu quả là việc nền kinh tế được lợi bao nhiêu nhờ xuất khẩu như cách mà cơ quan quản lý lẫn truyền thông truyền tải. Điều này liệu có thỏa đáng không, thưa ông?

Đúng là lâu nay, khi tiếp cận FTA, chúng ta mới chỉ nhìn theo chiều xuôi là chúng ta được cái gì? Đó là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị xuất khẩu (sau khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 lần, từ 48,6 tỷ USD năm 2007 lên 72,2 tỷ USD năm 2010 và lên đến 214,1 tỷ USD năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,6%/năm trong giai đoạn 2007 - 2011 và 14,2%/năm trong giai đoạn 2012 - 2017)…

Có thể nói, việc tham gia vào các FTA đã góp phần tích cực giúp Việt Nam đạt được những kết quả vững chắc trong phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy, nhận thức trong việc lựa chọn, tham gia vào các FTA, trong đó cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng bài toán cân đối lớn của nền kinh tế, xem xét giữa được và mất khi trước khi quyết định có hay không việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA cả song phương và đa phương.

Thực tế, khi đàm phán, ký kết FTA, chúng ta đã bảo đảm việc tính toán bài toán cân đối lớn như ông nói chưa?

Tham gia vào các FTA thì chuyện được - mất là đương nhiên. Theo tôi biết thì trước khi tham gia vào bất kỳ FTA nào, chúng ta đều có những đánh giá tổng quan, cân đo đong đếm những cái được và mất.

Tuy nhiên, nếu nói là chúng ta đã nghiên cứu sâu, đánh giá một cách thật sự bài bản, kỹ lưỡng về những cái được và mất đối với từng FTA thì có lẽ chưa thật sự sâu hoặc là chưa có.

Vậy theo ông, cần làm gì để tận dụng nhiều hơn cơ hội và giảm tối đa cái mất từ các FTA, đặc biệt với những FTA thế hệ mới như CPTPP vốn được kỳ vọng rất nhiều về tác động tích cực tới nền kinh tế?

Về phía Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về FTA tới doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ một cách thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức từ hội nhập cũng như tham gia các FTA.

Về phía doanh nghiệp, dù không còn sớm nhưng cũng không phải là quá muộn, hãy ý thức ngay và chủ động, tích cực chuẩn bị cho sự sẵn sàng của chính mình để tận dụng tốt thời gian ân hạn; không thể tiếp tục tư duy ỷ lại, thụ động ngồi chờ những cơ hội tự đến.

Cần phản ứng linh hoạt, đối phó với những thách thức có thể xảy ra trong quá trình hội nhập, tham gia vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới điển hình như CPTPP.

Xin cảm ơn ông!