Phát triển nông nghiệp ở Việt Nam thời công nghệ 4.0


Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp đã, đang trở thành xu hướng và đem lại những kết quả quan trọng.

Phát triển nông nghiệp ở Việt Nam thời công nghệ 4.0.
Phát triển nông nghiệp ở Việt Nam thời công nghệ 4.0.

Muốn phát triển theo hướng này, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 40% lực lượng lao động khu vực nông thôn, cùng hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ đang đặt ra nhiều thách thức đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành Nông nghiệp nước ta.

Xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp

Nghiên cứu các nước thấy rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành xu hướng và được Chính phủ quan tâm, chú trọng phát triển. Điển hình là: Thái Lan đã ban hành chính sách đổi mới công nghệ định hướng nông nghiệp và thực phẩm theo ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ nước này còn xây dựng chương trình hành động cho phát triển từng vùng với các sản phẩm cụ thể cho từng lĩnh vực.

Tương tự như Thái Lan, tất cả trang trại, nhà lưới tại Israel đều được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số với cảm biến và điều khiển tự động. Hay như Đài Loan (Trung Quốc) đã xây dựng và triển khai chương trình nông nghiệp 4.0 quy định 10 nhóm ngành, lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn để ứng dụng công nghệ 4.0. Đặc biệt, để khuyến khích ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, tập trung vào thương hiệu, quảng bá thương hiệu, Đài Loan còn ưu tiên tập trung vào logistics trong nông nghiệp…

Tại Việt Nam, qua 30 năm đổi mới, ngành Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị sản phẩm gia tăng nhiều lần, sản lượng nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, thu nhập và đời sống người nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Thực tế, quy mô sản xuất nhiều ngành hàng còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản chưa cao. Mặt khác, khu vực nông thôn Việt Nam chiếm khoảng 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây và công nghệ viễn thám... là cơ hội để Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp.

Các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. Đồng thời, hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất.

Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống. Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và xu hướng ứng dụng phần mềm, chip cảm biến trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây và công nghệ viễn thám... là cơ hội để Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp.

Công nghệ số sẽ giúp cải thiện chất lượng dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để ra quyết định sản xuất nông nghiệp, ứng dụng trong chương trình bảo hiểm, khuyến cáo trong các quyết định đầu tư trồng trọt của người sản xuất. Sự kết hợp giữa internet vạn vật và dữ liệu lớn sẽ làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng trong thời gian tới, cụ thể:

- Đối với các sản phẩm nông nghiệp, internet vạn vật sẽ chuyển từ hệ thống phân phối truyền thống sang buôn bán trực tuyến và kết nối người tiêu dùng với người sản xuất, phân tích và dự báo nhu cầu để ra quyết định sản xuất. Ngoài ra, internet vạn vật sẽ giúp tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

- Đối với hệ thống tổ chức hành chính công trong nông nghiệp, cơ hội để tận dụng công nghệ số gồm: Công nghệ viễn thám kết hợp với internet vạn vật và dữ liệu lớn để giúp hỗ trợ cho quản lý thông tin cho quy hoạch, giám sát cung - cầu, quản lý và cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, kết nối thị trường và phản hồi chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguồn nhân lực – Lực cản lớn đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Các nghiên cứu cho thấy, để ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam cần phải tháo gỡ những khó khăn nhất định, trong đó có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng. Báo cáo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam thấp hơn năng suất lao động của Trung Quốc 2,5 lần; thấp hơn Thái Lan 4,2 lần…

Thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn và đang phải đối diện với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0. Hệ thống đào tạo nghề cũng còn lạc hậu, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho sản xuất và đời sống.

Đào tạo nghề vẫn chủ yếu là giảng dạy, hướng dẫn những kiến thức kỹ năng mà các tổ chức dạy nghề có, không thực sự xuất phát từ yêu cầu của người học. Chương trình đào tạo còn mang tính lý thuyết cao, thiếu yếu tố thực hành. Dạy nghề chưa kết hợp với sử dụng tạo việc làm, chưa gắn kết chiến lược đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Khảo sát cho thấy, lượng sinh viên ra trường tuy nhiều nhưng trình độ và kỹ năng làm việc lại hạn chế, chưa phát huy được tính sáng tạo; tư duy logic và giải quyết vấn đề của sinh viên còn yếu, tính thực tiễn không cao. Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học - công nghệ. Đặc biệt, ở những vùng, miền có nền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Phát triển nguồn nhân lực tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong khu vực này (với tỷ trọng khoảng 46%) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Dự báo, đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành Nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo.

Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đang đặt ra. Căn cứ vào tình hình thực tế và thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Cần cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, trong đó tập trung cho đào tạo dài hạn đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật cao ở các lĩnh vực then chốt như: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý...

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong khu vực này (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoạt động và phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học - công nghệ xuất sắc. Mặt khác, có chính sách hướng vào việc đãi ngộ nhân tài phục vụ ở nông thôn, nông nghiệp, nhằm thu hút người giỏi quản lý và lãnh đạo về với nông thôn như: Tăng lương, tăng các khoản phúc lợi để tạo thu nhập cao cho cán bộ quản lý ở nông thôn, xóa bỏ sự bất hợp lý trong việc hưởng lương cao theo thâm niên công tác, tập trung ưu tiên chế độ trả lương theo hiệu quả công việc và tính sáng tạo.

Đồng thời, cần có những định hướng, chính sách về đào tạo, thu hút sinh viên vào học ngành Nông nghiệp, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng lao động; nên khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

Về phía các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề

Các trường đại học cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp từ bậc phổ thông tại khu vực nông thôn; đa dạng hóa hình thức đào tạo dạy nghề, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề theo yêu cầu; đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm cho học viên.

Các cơ sở giáo dục có đào tạo nguồn nhân lực nông - lâm - ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trước hết là đổi mới chương trình đào tạo từ bậc đại học, phổ thông, thậm chí, đổi mới ngay từ cấp tiểu học. Chương trình đào tạo phải hướng tới hệ thống giáo dục toàn diện, tăng cường chương trình đào tạo tổng hợp, đổi mới sáng tạo và nông nghiệp thông minh để phát triển nông nghiệp giá trị cao, bền vững. Đồng thời, phải lấy khoa học - công nghệ làm nền tảng, trụ cột trong chương trình đào tạo, tập trung truyền đạt tri thức, khuyến khích tính sáng tạo, phát triển trí tuệ, trang bị kiến thức và các kỹ năng khoa học…

Nghiên cứu thử nghiệm và triển khai mô hình học đại học thông qua những dự án thí điểm về đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0 theo cơ chế đặt hàng. Đồng thời, cấu trúc lại, điều chỉnh chương trình giảng dạy theo nhu cầu của các bên liên quan; Tích hợp, hợp tác chặt chẽ giữa nghiên cứu, thực hành trong môi trường chuyên nghiệp và sử dụng đầy đủ các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tư nhân.

Gắn đào tạo với thị trường lao động và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, lập sàn giao dịch việc làm kỹ thuật số kết nối với doanh nghiệp. Tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động thực tiễn sản xuất… Đây là mấu chốt quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất về phía nhà nước nông nghiệp thời kỳ 4.0.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Thế giới (2018), Báo cáo Doing Business 2018;
  2. Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF (2018), Báo cáo về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai;
  3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017;
  4. Tâm Thời (2019), Ðào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, Báo Nhân dân;
  5. Thu Thủy, Đặng Thành (2018), Tiếp cận nông nghiệp 4.0, Báo Ngày nay;
  6. Ngọc Thủy (2019),Đào tạo kỹ sư nông nghiệp thời 4.0: Khó khăn và thách thức, Báo Nông thôn ngày nay;
  7. Các website: mard.gov.vn, doimoisangtao.vn, hanoimoi.com.vn, sggp.org.vn.