Quản lý nợ công: Giảm áp lực, giảm quy mô

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Nợ công Việt Nam đang là vấn đề dư luận rất quan tâm. nhiều ý kiến cho rằng nợ công đang có xu hướng gia tăng trong khi thâm hụt ngân sách đã trở thành căn bệnh kinh niên. Làm thế nào để kiểm soát và quản lý nợ công trong bối cảnh nền kinh tế còn trì trệ, nợ công hiện đến mức cao? TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Quản lý nợ công: Giảm áp lực, giảm quy mô - Ảnh 1
TS.Lê Xuân Nghĩa
Giám sát chặt chẽ

Số liệu của Bộ Tài chính ước tính đến cuối năm 2012 nợ công Việt Nam bằng 55,4% GDP (năm 2011 là 54,9% GDP). Theo ông, chúng ta có nên quá lo lắng và kiềm chế nợ công bằng cách nào?

Đây là tỷ lệ khá thấp so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, nên về nguyên tắc không có gì đáng lo ngại.

Hơn nữa, xu thế nợ công Việt Nam tính trên GDP ngày càng giảm, do mấy năm gần đây Quốc hội cũng như Chính phủ giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, nên xu hướng ngày càng giảm, sẽ đưa xuống dưới 50% vào năm 2020.

Việc kiềm chế nợ công chủ yếu bằng các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, tăng thu và giảm chi tiêu thường xuyên theo hướng sử dụng đồng vốn ngân sách hiệu quả hơn.

Cụ thể, tăng các khoản thu cho ngân sách, kể cả thuế trực thu và thuế gián thu (thí dụ như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân).

Trên thực tế mấy năm gần đây, Bộ Tài chính đã cải cách thuế theo hướng mở rộng diện thu và giảm thuế suất, làm cho nguồn thu trở nên vững chắc hơn, không quá phụ thuộc vào một vài nguồn thu chủ chốt như trước đây. Và đặc biệt thu từ thuế trong tỷ trọng thu ngân sách ngày càng tăng, nhất là thuế nội địa.

Tất nhiên nó cũng có những rủi ro khá lớn, như thuế xuất nhập khẩu có xu hướng giảm do Việt Nam hội nhập vào thị trường quốc tế và tuân thủ các quy định về thuế quan.

Vì vậy, mở rộng diện thu thuế nội địa có vai trò quyết định không chỉ trong ngắn hạn mà còn mang tầm dài hạn đối với ngân sách.

Thực tế có việc tăng thu thì khả quan, nhưng giảm chi không dễ?

Mấy năm gần đây các khoản chi tiêu, đặc biệt chi tiêu từ chính quyền địa phương như mở rộng xây sân bay, bến cảng, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội… đã được Chính phủ rà soát lại, cắt giảm rất nhiều. Những công trình không cần thiết trước mắt và những công trình kém hiệu quả cũng được cắt giảm.

Việc Nhà nước tăng cường kiểm soát chi tiêu ngân sách theo hướng chống lãng phí, chống đầu tư dở dang, kéo dài, chống đầu tư dàn trải, chống tham nhũng… cũng hạn chế nhiều khoản đầu tư không hiệu quả.

Ngoài ra, 3 năm gần đây Chính phủ đưa ra chương trình tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt tiết kiệm các khoản chi từ bộ máy hành chính nhà nước. Thí dụ, tiết kiệm mua sắm ngân sách, tiết kiệm đi khảo sát, tham quan nước ngoài, tiết kiệm chi tiêu hội họp, hội hè, khai trương, khánh tiết…

Tất cả những khoản đó đã được Chính phủ giám sát khá chặt chẽ và phiên họp nào Chính phủ cũng nhắc nhở chuyện chi tiêu hành chính. Như vậy, khả năng Việt Nam có thể duy trì việc giảm thâm hụt ngân sách dưới 5% đã được thực hiện từ năm ngoái đến nay, có thể sẽ còn tiếp tục thực hiện với lộ trình giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4% trong vài năm tới.

Trong tầm kiểm soát

Có số liệu từ tổ chức nước ngoài cho rằng nợ công Việt Nam bằng 106% GDP. Ông bình luận vấn đề này như thế nào?

Một số chuyên gia, tổ chức nước ngoài đưa ra chỉ số nợ công của Việt Nam có sự khác biệt với con số của Bộ Tài chính công bố. Nguyên nhân chính có thể do phạm vi tính nợ công của họ khác với Việt Nam, hoặc cũng có thể do sự khác biệt trong việc dự báo tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo đó, họ tính tỷ lệ nợ công với công thức tính của họ, bao gồm cả nợ công của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thật ra cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay cũng theo chuẩn quốc tế, vì DNNN đã trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nên Việt Nam không tính nợ của DNNN vào nợ công của Chính phủ cũng là điều bình thường.

Do tỷ lệ và cách tính phụ thuộc vào cấu trúc nợ công, nên từng báo cáo có khác nhau. Nhìn chung, các chỉ số nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian tới các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng, điều này đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý.

Vậy xác định nợ công của Việt Nam như thế nào? Nợ của DNNN có phải là nợ công?

Hiện nay, theo quy định nợ công Việt Nam, Bộ Tài chính đã tham khảo từ một số nước, nợ công của khu vực DNNN không hạch toán vào nợ công.

Trong cắt giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ cần cam kết và thực hiện hiệu quả việc kiểm soát chặt chẽ phần chi tiêu công. Ngoài ra, cùng với việc trả nợ, phải thận trọng và tính toán kỹ hơn các khoản vay mới và phải lường trước được khả năng trả nợ đúng hạn ngay khi vay. Do đó, bên cạnh việc triển khai dự án, phải theo dõi dòng tiền thu về có đủ trả nợ như cam kết hay không, hoặc tiền vay có được sử dụng đúng mục đích ban đầu, có trả nợ đúng lộ trình cũng xem xét, cân nhắc như hiệu quả sử dụng vốn.

Lý do đây là doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường, hoạt động với ngân sách độc lập, Chính phủ không bù lỗ ngoại trừ những mặt hàng Chính phủ quản lý trực tiếp như điện, than… còn lại phải hoạt động theo nguyên tắc độc lập. Có nghĩa nếu DNNN thất bại trên thị trường cũng phải chịu phá sản và chịu hoàn toàn trách nhiệm về nợ nần.

Kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến nợ công, vậy việc trả nợ có gây sức ép?

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn hiện nay, vai trò đầu tư công rất quan trọng, như việc phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thách thức đặt ra cho đầu tư công ở Việt Nam là phải phát huy được vai trò tạo môi trường để thu hút các thành phần kinh tế khác, mức đầu tư cao đòi hỏi sức lan tỏa cũng phải cao. Đặc biệt sớm hình thành tiêu chí trong việc xác định tính ưu tiên của các dự án đầu tư công, tránh việc phê duyệt hay lựa chọn các dự án đầu tư mang tính lợi ích nhóm…

Theo nguyên tắc, đã đi vay phải trả nợ. Thực tế cho thấy từ trước đến nay Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ với nước ngoài, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, gây mất uy tín, ảnh hưởng đến khả năng vay nợ trong tương lai.

Mặt khác, do phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ là từ nguồn ODA nên chi phí vay vốn thấp và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hiện vẫn nằm trong phạm vi giới hạn an toàn. Vì thế, về sức ép trả nợ công, theo tôi số tiền trả nợ hiện nay của ngân sách không lớn, tính ra vào khoảng trên dưới 1 tỷ USD/năm, con số đó có thể trong tầm kiểm soát và không gây sức ép với ngân sách.

Nếu DNNN nợ có sự bảo lãnh mà không trả được do quá khó khăn, DNNN có được bán tài sản để trả nợ không, hay ngân sách gánh khoảng nợ này?

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ trên thế giới, kinh tế trong nước gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Một số doanh nghiệp vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh vay vốn gặp khó khăn đã không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, Bộ Tài chính phải thực hiện ứng trả thay để đảm bảo các cam kết quốc tế hoặc thực hiện tái cơ cấu tài chính.

Về nguyên tắc, người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm về việc mất khả năng chi trả của doanh nghiệp được bảo lãnh. Hiện nay, doanh nghiệp được bảo lãnh thường là DNNN, hoặc vốn nhà nước chiếm ưu thế, nên theo nguyên tắc DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Chính phủ có thể trả thay nếu DNNN đó không hoạt động tốt, Chính phủ có thể thanh lý bán DNNN đó và thu lại tiền đã bỏ ra.

Xin cảm ơn ông!