“Sưởi ấm” tổng cầu của nền kinh tế

Theo dddn.vn

(Tài chính) Có nên thực hiện gói kích cầu vào thời điểm này là vấn đề đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Kinh tế TW xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, hiện có quan điểm cho rằng, trong tình hình hiện nay nên thực hiện gói kích cầu như năm 2009. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Võ Trí Thành: Như các bạn đã biết, năm 2011, lạm phát của Việt Nam tương đối cao (18,5%), nhưng GDP vẫn tăng 6,24%. Năm 2012, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ đưa đầu tư công tăng từ 12.000 tỉ đồng lên 21.000 tỉ đồng/tháng. Lượng tiền cung ra gần gấp đôi, nhưng gần như không ảnh hưởng đến lạm phát. Điều này cho thấy, cần phải đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm.

 “Sưởi ấm” tổng cầu của nền kinh tế - Ảnh 1
TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Kinh tế TW
Thời gian qua, chúng ta áp dụng rất nhiều kênh hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp như hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm một số loại thuế. Ngoài ra để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ cũng quyết định miễn, giảm, giãn thời gian nộp một số loại thuế như thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) tạo đà cho nền kinh tế ổn định.

Do vậy kích cầu hay không phải tính tới yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cách phân bổ nguồn lực trong hiện tại và cả dưới góc độ tái cấu trúc nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Điều cần hiện nay là một nền kinh tế khỏe mạnh, chứ không phải dùng các gói kích cầu. Các gói kích cầu chỉ như thứ thuốc “gây nghiện” chứ không phải là giải pháp cơ bản giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Đưa ra gói kích cầu thời điểm này lợi ích chắc chắn thu được không nhiều mà còn tạo thêm những hệ lụy cho nền kinh tế vốn đã yếu nay lại càng yếu hơn.

Với nền kinh tế Việt Nam hiện tại, nếu không kích cầu thì Chính phủ và DN phải hành động như thế nào để thoát khỏi khó khăn?

Với tình hình hiện nay nếu không kích cầu thì phải kích thích tăng trưởng mới hy vọng thoát khỏi khủng hoảng. Từ cuối năm 2008, Chính phủ đã áp dụng một loạt chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tổng số tiền dành cho gói kích  cầu này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào khoảng 143.000 tỉ đồng.

Sau 2 năm thực hiện, chúng đã bộc lộ những điểm hạn chế. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, việc hỗ trợ thuế có hình thức cào bằng, chỉ tác động đến DN làm ăn có lãi. Trong khi nhiều DN gặp khó khăn, thua lỗ lại không được hưởng ưu đãi... Một số cá nhân đã lợi dụng ưu đãi để trục lợi, thậm chí, có đơn vị đã vay vốn hỗ trợ lãi suất rồi gửi ngân hàng lấy lãi.

Do vậy, việc triển khai gói kích thích tăng trưởng thứ 2 cho đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa quyết định... Thời gian tới GDP của Việt Nam phải tăng trưởng 6% thì mới mong đạt được mục tiêu 5,5% do Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kinh tế hiện nay, theo tôi tăng trưởng kinh tế nửa năm còn lại chỉ khoảng 5,1-5,2%. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2013 của Việt Nam ước đạt 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, vẫn cần phải duy trì các chính sách ở một mức nhất định để kích thích tăng trưởng kinh tế hơn là dùng biện pháp kích cầu. 

Nếu gói kích thích tăng trưởng được phê duyệt thì công tác giám sát chặt chẽ phải đặt lên hàng đầu. Nếu không nền kinh tế sẽ lại gia tăng gánh nặng nợ nần và tình trạng đầu cơ với các dự án vay chất lượng thấp, nguy cơ tái lạm phát sẽ hiện hữu...

Thưa ông, nhiều quốc gia khác đã từng áp dụng gói kích cầu, theo ông đâu là những ví dụ có thể áp dụng cho Việt Nam tại thời điểm này?

Cuối năm 2008, Chính phủ Trung Quốc thông báo tung ra một gói kích cầu trị giá 586 tỉ USD và gói kích cầu này đã đem lại hiệu quả tức thì. Gói kích cầu này bao gồm một chương trình tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ. Đó là các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn; giao thông như đường sắt, đường cao tốc và sân bay. Rồi xây dựng các mạng lưới điện; dự án bảo vệ môi trường và sinh thái cùng dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa. Và cả xây dựng dự án phục hồi sau động đất.

Trung Quốc lựa chọn đầu tư vào cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho việc kích cầu vì nước này đã chọn cách dựa vào nguồn cầu nội địa để vượt thoát suy thoái kinh tế. Gói kích cầu nói trên không nhằm giải cứu các ngân hàng, Cty lớn bị khó khăn mà nhằm khuyến khích sản xuất nội địa, qua đó tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập của người dân. Kết quả là tăng trưởng GDP quý III/2009 của nước này tăng lại, lên 8,9% so với cùng kỳ năm 2008.

Hồi đầu tháng 1/2013, Nhật Bản cũng đã tung ra gói kích thích tăng trưởng kinh tế hơn 226 tỉ USD. Thủ tướng đắc cử Shinzo Abe đã thực hiện đúng lời cam kết khi tranh cử tăng cường chi tiêu nhằm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết giảm phát.

Như vậy, nếu cần một gói kích cầu thì đó phải là gói kích cầu theo đúng nghĩa: kích thích người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ. Chúng ta phải sưởi ấm tổng cầu của nền kinh tế. Song song với ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta phải tiếp tục có các giải pháp để tăng tổng cầu. Đây là khó khăn thách thức với nền kinh tế Việt Nam và đòi hỏi phải có chính sách hết sức minh bạch…

Ông nhận định thế nào về hàng loạt chính sách được ban hành từ đầu năm đến nay? Với DN, tác động từ những chính sách đó sẽ thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên để kích thích nền kinh tế Chính phủ cần tạo mọi điều kiện để DN có thể hoạt động tốt nhất, có những dự án phát triển kinh doanh khả thi, tránh tình trạng hàng tồn kho như với thị trường bất động sản. Với vai trò là cầu nối nguồn vốn, ngân hàng phải làm sao giúp cho DN tiếp cận được vốn, tư vấn được cho họ những dự án phát triển bền vững.

Để thúc đẩy hoạt động đầu tư, theo tôi, quan trọng nhất ngoài việc duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, kết hợp với vai trò chủ động của Nhà nước trong điều hành đầu tư công.

Trong năm nay, Chính phủ đã thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và giảm 50% tiền thuê đất cho DN. Cùng với đó, một số điều của Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, với các chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế cho hầu hết mọi đối tượng, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, kinh doanh nhà ở xã hội, là một đòn bẩy rất tích cực để các thành phần kinh tế bỏ vốn ra đầu tư.

Tuy còn ít ỏi, nhưng chính sách này đã mang lại những kết quả bước đầu. Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 58.231 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 281.359 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2012 thì số DN đăng ký thành lập mới tăng 10,8%, tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 21,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 6.742 DN hoàn thành thủ tục giải thể DN, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, đầu tư toàn xã hội chỉ có thể phục hồi, nếu những kích thích đẩy mạnh hơn nữa, đó là cải cách nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và hệ thống DN nhà nước.

Xin cảm ơn ông!