Tài chính vi mô góp phần giảm nghèo ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Tài chính vi mô là một bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính quốc gia, giữ vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và thực thi các chính sách kinh tế xã hội, nhất là ở các nước phát triển. Nhận thức được điều này, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cơ chế chính sách để phát triển tài chính vi mô, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khó khăn thách thức về nguồn vốn cho công tác giảm nghèo hiện nay

Theo Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) giai đoạn 2005 - 2012, Việt Nam đã đầu tư từ ngân sách cho chương trình xóa đói giảm nghèo hơn 864 nghìn tỷ đồng, giúp khoảng 10 triệu lượt hộ nghèo vay vốn và 2,4 triệu hộ thoát nghèo (24%). Với những cố gắng vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 11,76% năm 2011 (giảm 2,24%), 9,6% năm 2012 (giảm 2,16%), 7,8% năm 2013 (giảm 1,8%), 5,97% năm 2014 (giảm 1,83%) và khoảng 4,5% năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ xấp xỉ 51% năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013, 32,59% năm 2014; dưới 28% năm 2015. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong giai đoạn 2011 – 2015.

Công tác giảm nghèo tại Việt Nam mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là đối với vấn đề giảm nghèo bền vững. Các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hộ nghèo và ít có cơ hội được hưởng lợi đầy đủ từ các chương trình ưu đãi cũng như các dịch vụ tài chính chính thống.

Tốc độ giảm nghèo của các vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc vẫn chậm hơn so với các vùng khác. Tỷ lệ nghèo ở 2 vùng này đã giảm từ khoảng 51%/ năm 2011 xuống còn khoảng 28% cuối năm 2015 nhưng nhiều nơi hiện tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60-70%; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững đang là thách thức cho các tổ chức tham gia. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách quốc gia thì các nguồn vốn từ bên ngoài nhằm hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho xóa đói giảm nghèo rất quan trọng. Trong khi vốn ngân sách phải dàn trải cho nhiều dự án thì các nguồn vốn bên ngoài hiện đang giảm đi theo các hiệp ước song phương với các quốc gia tài trợ.

Thời gian qua, nguồn vốn chính thống để tài trợ giảm nghèo ở Việt Nam chủ yếu qua các tổ chức cung cấp tài chính vi mô (TCVM) chính thống như: Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống quỹ tín dụng và 03 tổ chức TCVM mới hình thành (M7, Thanh Hóa, Tình Thương). Các tổ chức này đã cung ứng khoảng 177 nghìn tỷ đồng tín dụng cho 8,6 triệu lượt khách hàng. Tuy nhiên, do hệ thống mạng lưới phân bố không đều giữa các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa nên hộ nghèo ở các địa bàn này vẫn chưa tiếp cận nguồn vốn chính thức, buộc họ phải vay mượn từ nơi khác với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu.

Hơn nữa, nếu tính bình quân tỷ lệ nghèo bình quân chiếm 17,2% dân số thì số lượt khách hàng trong diện nghèo vay trên chưa được 50%. Mức cho vay bình quân 50 triệu đồng/hộ nghèo như hiện nay khó giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững, dẫn đến 33% hộ thoát nghèo tái nghèo. Như vậy, vấn đề quan trọng trong giảm nghèo hiện nay là tìm được những nguồn vốn chính thống, bền vững cho công tác giảm nghèo và phát triển các tổ chức cung cấp tín dụng vi mô cũng như dịch vụ TCVM nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.

Nâng cao vai trò của tổ chức tài chính vi mô trong công tác giảm nghèo ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, vấn đề đặt ra là phải phát triển các tổ chức TCVM như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả kinh tế xã hội Từ thực tế công tác xóa đói giảm nghèo và nguồn vốn để tài trợ giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua, các giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức TCVM gồm:

Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi các tổ chức TCVM, nhất là các tổ chức bán chính thức thành chính thức để TCVM trở thành một hệ thống vững mạnh theo định hướng thị trường, nằm trong hệ thống tài chính Việt Nam, dưới sự quản lý và cấp phép của đầu mối duy nhất là NHNN, đảm bảo các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đầy đủ, chính thức.

Thứ hai, về chủ trương phát triển, cần tiến tới việc giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay từ các quỹ tài trợ, chuyển sang cho vay có hoàn trả để tăng tính tự chủ của hộ nghèo, đồng thời tạo tích lũy phát triển nguồn vốn bền vững cho chính tổ chức TCVM.

Thứ ba, một trong những yếu tố hạn chế phát triển các tổ chức TCVM thời gian qua là việc tổ chức vận hành khá đơn giản, lỏng lẻo, không tuân thủ các quy chế quy định trong lĩnh vực tiền tệ. Phần lớn các tổ chức TCVM bán chính thức chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, hoặc các đoàn thể; Có tâm lý ỷ lại vào vốn tài trợ, ưu đãi, nên thụ động từ người vay đến bên cho vay. Do đó, trong thời gian tới cần khuyến khích chuyển đổi và tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn hoạt động.

Thứ tư, các tổ chức TCVM cần có cơ chế đặc thù trong huy động vốn. Ví dụ như biên độ cho phép về lãi suất, phí cao hơn các TCTD khác khi cung ứng dịch vụ tài chính cho thị trường, nhưng nằm trong trần kiểm soát của NHNN. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách, cơ chế, quy định cụ thể cho phép các tổ chức TCVM tham gia huy động vốn trên thị trường quốc tế để đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động.

Thứ năm, phần lớn các hộ nghèo sinh sống ở khu vực nông thôn, nên hoạt động nông nghiệp và sản xuất nhỏ là chủ yếu, do đó khi tiến hành cho vay cần lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào hoạt động tài chính vi mô; kết hợp sự tư vấn chặt chẽ của các hiệp hội, ngành nghề, chính quyền địa phương để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giúp tăng thu nhập cho hộ nghèo cũng như đảm bảo hiệu quả cho các chương trình.

Thứ sáu, các tổ chức TCVM cần nghiên cứu áp dụng các sản phẩm dịch vụ thích hợp cho hộ nghèo trong huy động vốn, cho vay và dịch vụ. Cụ thể, đa dạng hóa hình thức tham gia tiết kiệm, cho vay, thu nợ theo kỳ hạn, theo lãi suất, theo thời vụ. Mức cho vay hộ nghèo không nên giới hạn trong phạm vi 50 triệu như hiện nay mà nên tùy vào nhu cầu và tính khả thi của từng dự án. Ngoài ra tổ chức TCVM cần phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tham gia thu hộ, chi hộ các khoản về thuế, tiền điện, nước, phí điện thoại, internet và mobile bangking, đáp ứng như cầu khách hàng nông thôn hay hộ nghèo.

Thứ bảy, các tổ chức TCVM cần triển khai đào tạo, tái đào tạo nhân sự có chuyên môn về tài chính, ngân hàng, về quản lý tài chính và am hiểu cơ bản kỹ thuật về khuyến nông, sản xuất tiểu thủ công và các chương trình phát triển nông thôn để tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tóm lại, tài chính vi mô cần được phát triển đồng bộ, chính thức và có sự định hướng chặt chẽ nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, phát huy năng lực sản xuất xã hội và hoàn thiện hệ thống tài chính Việt Nam trong lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

1.  Nguyễn Văn Vũ An và Vương Quốc Duy (2015), Luận văn “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hụi của nông hộ tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”, Đại học Cần Thơ;

2. Nguyễn Kim Anh (2011), Tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam – kiểm định và so sánh, NXB Thống kê;

3. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (2015), Kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, Hà Nội;

4. UNDP và Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (2015), Báo cáo tổng quan các nghiên cứu về giảm nghèo ở Việt Nam, Hà Nội;

5. Ledgerwood, J. (1999), Rural Finance Handbook, An Institutional and Financial Perspective, The World Bank, Washington, D.C. 1999.