Tái cơ cấu 3 trụ cột kinh tế: Không thể ngập ngừng

TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương

(Tài chính) Thời gian qua, 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế gồm: Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn có những điểm nghẽn khiến tiến độ thực hiện bị cản trở, cần có giải pháp tổng thể để giải quyết.

 Tái cơ cấu 3 trụ cột kinh tế: Không thể ngập ngừng
Cần áp dụng nguyên tắc công khai minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu với các DN. Nguồn: internet

Kết quả tái cơ cấu kinh tế cho đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn “ngổn ngang” và “bộn bề” trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm tư tưởng cho đến sự lúng túng trong các giải pháp thực hiện. Do đó, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và chiến lược lâu dài, quan trọng là phải cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo đó, cần bãi bỏ ít nhất 5 thủ tục trong khởi sự kinh doanh; bỏ đăng ký ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thiết lập trình tự đặc biệt, đơn giản hóa cho giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng có giá trị thấp. Nếu chúng ta giảm được 15 ngày trong thực hiện thủ tục nhập khẩu và 15 ngày trong thủ tục xuất khẩu thì GDP có thể tăng thêm hơn 27 tỷ USD.

Trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cần áp đặt một số nguyên tắc thị trường, như: Áp dụng giá trị trường của vốn; Nhà nước phải lấy lợi nhuận với mức ít nhất bằng giá thị trường của vốn. DNNN được tự chủ hơn trong cơ cấu lại vốn và tài sản trong khuôn khổ mục tiêu và các chỉ tiêu đã định. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không bảo toàn và phát triển vốn, thua lỗ không thanh toán được nợ đến hạn, không trả đủ thuế cho Nhà nước…, thì người đại diện chủ sở hữu, người quản lý phải bị thay thế chứ không phải là những can thiệp của Nhà nước nhằm khoanh nợ, giảm nghĩa vụ trả nợ, bảo lãnh phát hành trái phiếu để trả nợ, giảm thuế và nghĩa vụ nộp thuế…

“Thị trường càng nhiều thì Nhà nước càng mạnh”. Nhà nước phải đứng ra phát huy cái lợi của thị trường nhưng đồng thời sửa chữa những khuyết tật của thị trường. Nói tóm lại là phải để thị trường khắc nghiệt “trừng phạt” bất cứ ai mắc phải lỗi lầm (dù khách quan hay chủ quan) trong quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Cần  phải thay đổi chính sách phục hồi tăng trưởng theo hướng “trọng cung”, thay vì tập trung “quản lý cầu” và “tìm cách kích cầu”.

Về đầu tư công, cần phải thiết lập được quy trình thống nhất thẩm định, lựa chọn, phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm lựa chọn được dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất. Cần thay đổi vai trò của chính quyền địa phương, đổi mới phân cấp Trung ương-địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu và khắc phục tình trạng sở hữu chéo vẫn tiếp tục là các nhiệm vụ trọng tâm trong một số năm tiếp theo, nhưng việc có một đánh giá độc lập, khách quan hơn về tiến trình, kết quả và vấn đề của tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là rất cần thiết. Phân tích cụ thể về số nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế, cơ cấu nợ xấu theo ngành, theo con nợ…

Cần xem xét lại cách thức “tái cơ cấu tự nguyện”, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy không thể sử dụng những con người “gây ra vấn đề” để xử lý các vấn đề mà họ gây ra. Tình trạng sở hữu chéo dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn còn nguyên, thậm chí gia tăng do tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Cần thay đổi quan điểm về việc không để đổ vỡ các tổ chức tín dụng bằng mọi giá, những người gây ra mất mát cho xã hội phải bị trừng phạt, tránh tâm lý ỷ lại để Nhà nước giải quyết hậu quả.

Đối với việc tái cơ cấu DNNN, cần có tư duy mới về vai trò của kinh tế Nhà nước, đồng thời có các giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn lực hiện có. Cần có sự áp  đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Áp dụng nguyên tắc lời ăn lỗ chịu, hiệu quả thấp thì phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt, nhưng công minh của cạnh tranh thị trường. Cần đặt ra yêu cầu về lợi nhuận, tính đầy đủ chi phí vốn, chi phí cơ hội của vốn theo giá thị trường. Chấm dứt việc bao cấp, trợ cấp chéo, chưa tách bạch và hạch toán riêng các trách nhiệm xã hội với DNNN.

Cần tách biệt quyền sở hữu, quyền kinh doanh và chức năng quản lý Nhà nước; tránh can thiệp hành chính quá nhiều vào quản lý và hoạt động kinh doanh.

Cần có hành động cụ thể để tiến tới quản trị hiện đại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có 30 nguyên tắc về quản trị tốt đối với DNNN. Khuôn khổ quản trị tập đoàn và tổng công ty hiện nay hầu như chưa áp dụng bất kỳ nguyên tắc nào trong số đó.

Cần áp dụng nguyên tắc công khai minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu với các DN nói chung bao gồm cả DNNN. Các DN phải công bố thông tin theo các chuẩn mực của công ty cổ phần niêm yết (chi phí cho việc này thấp, hiệu quả lớn). Cần có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, hoặc các cơ quan chuyên trách theo dõi tại các bộ chuyên ngành… Mục tiêu và các chỉ tiêu đó phải thể hiện đầy đủ trong chiến lược và kế hoạch trung hạn và kế hoạch hằng năm, hằng quý của tập đoàn, tổng công ty. Cần có hệ thống thu thập thông tin, phân tích đánh giá, từ đó, cơ quan quản lý giám sát việc hoàn thành mục tiêu một cách sát sao và có sự điều chỉnh kịp thời.

Người viết bài này có niềm tin rằng nếu được thực hiện, các giải pháp sẽ có tác động lớn trong việc cải thiện hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh.