Tăng tốc hoàn thành công trình phòng, chống thiên tai: Sẵn sàng "đón" mùa mưa bão

Theo Kim Nhuệ/hanoimoi.com.vn

Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là bước vào mùa mưa, bão năm 2020 với dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Chủ động "đón" mùa mưa bão, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là xử lý các sự cố đê điều.

Huyện Hoài Đức phấn đấu trong tháng 6/2020 sẽ hoàn thành dự án nâng cấp tuyến đê tả Đáy, vượt kế hoạch 6 tháng.
Huyện Hoài Đức phấn đấu trong tháng 6/2020 sẽ hoàn thành dự án nâng cấp tuyến đê tả Đáy, vượt kế hoạch 6 tháng.

Hiện hữu nhiều nguy cơ

Tận mắt quan sát công trình nhà ở, đất đai của các hộ dân ở xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) nằm cheo leo trên bờ sông Đáy, phóng viên Báo Hànộimới phần nào cảm nhận được nỗi thấp thỏm của người dân nơi đây khi mùa mưa, bão đang tới gần. Chỉ tay vào những vết nứt trên các bức tường và móng nhà của gia đình mình, ông Đỗ Văn Báo ở thôn Cấp Tiến cho biết: “Mùa mưa, bão năm 2019, nước sông Đáy dâng cao đã cuốn trôi gần 100m2 đất, kéo đổ gian bếp mới xây, thúc trơ móng ngôi nhà ở kiên cố của gia đình tôi. Trên địa bàn xã có 7 hộ khác cũng chịu cảnh như vậy...”.

Tương tự, hàng trăm hộ dân ở xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) cũng đang lo lắng khi chứng kiến hơn 300m mái đê hữu Đáy bị sụt lún, có đoạn sâu gần 1,3m so với mặt đê. Càng lo ngại hơn, khi người dân phát hiện cách vị trí sụt lún này khoảng 100m về phía hạ lưu có 5 điểm lún nứt… 

Ngoài ra, hiện diễn biến sạt lở đê điều trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ... cũng khá phức tạp. Tại huyện Ba Vì, trên tuyến đê hữu Hồng đoạn qua các xã: Đông Quang, Chu Minh, Minh Châu xuất hiện nhiều vị trí sạt lở áp sát đất và nhà ở của người dân. Đặc biệt trên tuyến sông Đà, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Vì, dòng chảy thay đổi làm hơn 500m mái kè Khê Thượng (xã Sơn Đà) bị sụt lún làm rạn nứt công trình phụ của 51 hộ dân ở thôn Phú Nhiêu (xã Thái Hòa)...

Không chỉ hệ thống đê điều, nhiều hồ thủy lợi, kênh tiêu, dòng sông của Hà Nội cũng đang bị bồi lắng, suy giảm năng lực cắt lũ, tiêu thoát nước… “Sông Nhuệ và sông Đáy đảm nhiệm tiêu thoát nước cho 121.227ha, chiếm gần 50% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp và dân sinh của Hà Nội. Nhưng với mức độ bồi lắng và thu hẹp dòng chảy như hiện nay, khả năng tiêu thoát của hai sông này chỉ khoảng 30%. Theo đó, các quận, huyện thuộc phía Tây của thành phố tiếp tục có nguy cơ úng ngập khi tổng lượng mưa tại các lưu vực này đạt 200mm/ngày…”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải nhận định.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm 2020, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thành phố Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Từ tháng 5 đến tháng 10-2020, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra 5-7 đợt mưa lớn diện rộng, với tổng lượng mưa khoảng 1.300-1.600mm.

Chủ đầu tư Trạm bơm tiêu Cao Xuân Dương phấn đấu trong tháng 5-2020 sẽ hoàn thành, bảo đảm tiêu nước cho 800ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh của 3 xã thuộc huyện Thanh Oai.
Chủ đầu tư Trạm bơm tiêu Cao Xuân Dương phấn đấu trong tháng 5-2020 sẽ hoàn thành, bảo đảm tiêu nước cho 800ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh của 3 xã thuộc huyện Thanh Oai.

Khắc phục sự cố, nâng cấp công trình

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước trong mùa mưa, bão sắp tới, các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thường Tín, Hoài Đức… đang tập trung chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án tu bổ, nâng cấp công trình, xử lý sự cố đê điều, thủy lợi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, huyện đã kiểm tra và đánh giá mức độ nguy hiểm của các sự cố đê điều trên địa bàn. Trên cơ sở đó, huyện sẽ huy động các nguồn lực tập trung xử lý sự cố sạt lở bờ tả sông Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Văn Võ cũng như sự cố sạt lở bờ tả sông Bùi, đoạn xã Tốt Động và Quảng Bị…

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, huyện đã báo cáo, đề xuất các cấp thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, xử lý sự cố kè Khê Thượng, bờ sông ở xã Thái Hòa theo hình thức cấp bách... Trước mắt, các xã: Sơn Đà, Thái Hòa triển khai phương án bảo đảm an toàn, vận động nhân dân thu dọn mặt bằng, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công xử lý sự cố ngay khi được cấp thẩm quyền chấp thuận đầu tư...

Là địa phương của huyện Ba Vì được thành phố đầu tư gần 15 tỷ đồng xử lý sự cố, chống sạt lở 400m bờ sông Hồng, xã Minh Châu đã tích cực vận động người dân thu dọn, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công công trình… Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng chia sẻ, đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc. Dự kiến trong tháng 6-2020, chủ đầu tư sẽ bàn giao công trình cho địa phương.

Trong khi đó, việc nâng cấp các công trình thủy lợi đảm nhận tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố cũng đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành. Thành phố Hà Nội đã đầu tư hơn 165 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm Phương Nhị để thay thế công trình cũ, đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu cho 2.066ha đất nông nghiệp, dân sinh của các xã thuộc huyện Thanh Oai. Nhận thức rõ tính chất quan trọng của dự án, chúng tôi đã chủ động phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng và thường xuyên đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu. Dự kiến trong tháng 5-2020, trạm bơm sẽ hoàn thành, vận hành thử…, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân nói.

Ngoài yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai, Sở NN&PTNT Hà Nội giao các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan liên quan tổng kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng, năng lực công trình phòng, chống thiên tai xong trước ngày 22-3. Trên cơ sở đó, khoảng ngày 25-3, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo, đề xuất Bộ NN&PTNT, UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí, hình thức đầu tư xử lý các sự cố đê điều, thủy lợi... “Để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, Sở NN&PTNT dự kiến trong tháng 3-2020 sẽ trình UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện các dự án xử lý sự cố đê điều, thủy lợi theo hướng đơn giản về thủ tục, rút ngắn về thời gian nhưng vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật…”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin thêm.