Tăng tốc với EVFTA: Ngành dệt may sẵn sàng cho cột mốc 1/8

Theo Minh Thuận-Ái Vân/sggp.org.vn

Châu Âu là thị trường 500 triệu dân, có dư địa phát triển lớn, song mỗi năm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường này chỉ mới đạt trên 8 tỷ USD. Chỉ hơn 10 ngày nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) dệt may có kịp tận dụng cơ hội lớn này?

May xuất khẩu và cung ứng thị trường trong nước tại TP. Hồ Chí Minh.
May xuất khẩu và cung ứng thị trường trong nước tại TP. Hồ Chí Minh.

Thêm cơ hội nhờ giảm thuế

Theo Bộ Công thương, 6 tháng qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 12,8 tỷ USD, riêng thị trường châu Âu đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 39 tỷ USD và thị trường châu Âu đạt trên 8 tỷ USD. Hiện EU trở thành thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản.

Dù vậy, theo đánh giá của các DN dệt may, hiện xuất khẩu dệt may vào EU vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng thị trường này. Nguyên nhân xuất phát từ việc hàng dệt may của Việt Nam vào EU phải chịu thuế suất rất cao. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ, với mặt hàng jean, DN này xuất khẩu vào EU hiện đang phải chịu thuế suất đến 16%. Còn tính bình quân thì các mặt hàng may của Việt Nam xuất vào thị trường này đang chịu thuế suất khoảng 9%. 

Thuế suất cao, chi phí nhân công tăng nhanh 2 năm qua đã khiến hàng dệt may Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước Myanmar, Lào, Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, trên thực tế, để duy trì thị phần tại thị trường châu Âu, nhiều DN dệt may trong nước đã chuyển sang gia công sản phẩm đa chi tiết, đòi hỏi tay nghề cao hơn. Một số ít DN có nội lực vốn lớn đã chuyển sang thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm có thương hiệu. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn phức tạp từ đầu năm đến nay đã làm đơn hàng xuất khẩu dệt may giảm mạnh. Mặt khác, nó còn làm thay đổi xu hướng tiêu dùng hàng dệt may trong quý 3 và 4-2020. Nhiều khả năng thị trường phục hồi các sản phẩm dệt may cơ bản có giá trị thấp hoặc trung bình thấp. Từ đó, các DN gia công giản đơn hoặc gia công sản phẩm phân khúc này sẽ có ưu thế hơn về đơn hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua EVFTA và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây, là cơ hội lớn đối với ngành dệt may. Bởi lẽ, theo cam kết của EVFTA, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm. 

Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, EVFTA hứa hẹn mang lại cho DN dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU.

Bứt phá sau EVFTA?

Với những cơ hội kể trên, nhiều DN dệt may đã chuẩn bị sẵn sàng để ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ tận dụng được lợi thế về thuế quan. Nhiều DN đã có sự đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu. Theo ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), với những gì mà EVFTA mang lại cũng như tiềm lực mà TCM hiện có, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu vào EU tăng 30%-50% vài năm tới. Để hiện thực hóa cơ hội mà EVFTA mang lại, TCM đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải ở Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với hơn 1.500 lao động. Ước tính mỗi năm, nhà máy này cung ứng số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của công ty. Lâu dài hơn, TCM dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại miền Tây để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất. Tương tự, một số DN may ở TPHCM đều có sự chuẩn bị về nhà xưởng, máy móc, công nghệ cũng như nguồn nguyên phụ liệu để nắm bắt cơ hội từ EVFTA. 

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, ngay từ khi EVFTA được ký kết, Việt Thắng Jean đã ký kết thu mua nguyên phụ liệu từ các đối tác tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ dài hạn (thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc) nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo cam kết của EVFTA. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, số lượng DN đáp ứng được như TCM hay Việt Thắng Jean chưa nhiều. Bởi lẽ nhiều năm nay, ngành dệt may vẫn phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên phụ liệu vào Trung Quốc và nguyên liệu này lại không được thị trường châu Âu chấp thuận. Để khắc phục, Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho rằng, với những DN không gia công, có hai phương án lựa chọn. Một là tự sản xuất vải hoặc tìm mua nguyên liệu trong nước. Hai là nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có hiệp định thương mại song phương với châu Âu như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Một vấn đề nữa của ngành dệt may là rất nhiều DN đang xuất khẩu vào EU là các DN nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU. 

Vì vậy, những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh tại thị trường EU. DN cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ.

Một số nội dung chính của EVFTA 
EVFTA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu ngày 12-2-2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8-6-2020. Ngày 30-3-2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây. EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính: Thương mại hàng hóa (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); Quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS); Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); Thương mại dịch vụ (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); Đầu tư; Phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước; Mua sắm của Chính phủ; Sở hữu trí tuệ; Thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực; Các vấn đề pháp lý - thể chế.
Đối với xuất khẩu Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. 
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực với 48,5% dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế (97,1% kim ngạch xuất khẩu) từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan khoảng 98,3% dòng thuế (99,8% kim ngạch nhập khẩu). Với 1,7% dòng thuế còn lại, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Theo nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% năm 2020; 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030 so với không có hiệp định.