Tăng trưởng kinh tế: Chọn hướng để bứt phá

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2016, nhiều yếu tố được xem là thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm đến những nền kinh tế đang phát triển ổn định hơn, trong đó có Việt Nam. Nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, cải cách thể chế được đẩy mạnh, khuyến khích đầu tư tư nhân cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ là tạo sức bật mạnh mẽ cho “con tàu” kinh tế cán đích đúng với mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đà tăng trưởng cho năm 2016

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016; quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 2016 cũng là năm Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định tự do hóa thương mại. Bởi vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay có thể sẽ đạt được và trở thành tiền đề rất tốt cho phát triển kinh tế vào thời gian tới. Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN... là những tín hiệu tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn. Về dài hạn, khi Việt Nam hội nhập sẽ giúp thay đổi cấu trúc thị trường, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường đầu vào ở Trung Quốc, như vậy từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đã dành 5 năm (2011-2015) tập trung chủ lực cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Xuyên suốt mục tiêu đó, chúng ta đã tạo được ổn định kinh tế vĩ mô cho tới ngày hôm nay. Với nền tảng kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô

Để tiếp tục tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Theo TS. Phạm Văn Đại - Trưởng nhóm Nghiên cứu vĩ mô Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Chính phủ cần có quyết tâm cao nhất để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách chủ yếu đang suy giảm. Trong đó, cần ý chí chính trị đặc biệt để cắt giảm chi tiêu thường xuyên, thu hẹp bộ máy hành chính. Các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA ngoài dự toán cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để quản lý được khối lượng vốn đầu tư thực tế của các đơn vị sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng

Khi nền kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn thì khai thác sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) chính là sức bật của nền kinh tế. PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời điểm hiện tại khi mà gánh nặng nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia đã đến ngưỡng “cho phép”, nhiệm vụ cấp thiết chúng ta cần là hoàn thiện thể chế, cải cách chính bộ máy hành chính để làm sao khai thác được nguồn vốn rất to lớn nằm tiềm ẩn trong nhân dân làm động lực cho phát triển kinh tế.

Cùng với điều kiện thuận lợi đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để vượt qua khó khăn trước mắt, “lội ngược dòng” để đạt mục tiêu tăng trưởng như QH đề ra ở mức 6,7% cho năm 2016 và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Chính phủ cần quan tâm phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khối doanh nghiệp này phát triển.

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng đều phải tập trung vào công tác này. “Đây chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong những năm tới, Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần kinh tế để họ thỏa sức cạnh tranh, phát huy 4 nguồn lực cải cách hành chính bao gồm cắt giảm thủ tục để giảm chi phí không chính thức và chính thức; thành lập trung tâm hành chính công; thúc đẩy xúc tiến đầu tư; thúc đẩy thay đổi quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó là xây dựng chương trình đồng bộ về trợ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là DN nhỏ và vừa chiếm 98% trong cộng đồng doanh nghiệp, để họ có thể trở thành động lực của nền kinh tế.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản báo cáo Viễn cảnh kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra nhận định về bức tranh tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, IMF dự đoán Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng dự kiến là 6,3% trong năm 2016, giảm nhẹ so với 6,7% trong năm 2015.