Tạo động lực mạnh để thu hút đầu tư

Theo Tuấn Kiệt/thoibaonganhang.vn

Để tạo cú hích lớn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa một số luật liên quan như: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Thuế, tiến tới xây dựng Luật DN đầu tư vào nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư, Luật DN sửa đổi, đó là hai luật quan trọng, tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động. Trong 3 năm 2014, 2015, 2016 Chính phủ đã ban hành 4 nghị quyết và hàng loạt chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là một chính sách tiêu biểu gắn liền với nhu cầu phát triển DN.

“Việc thực hiện một loạt các cơ chế chính sách thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua cũng đã thu được những thành quả nhất định. Đến nay đã có 64 dự án tại 23 địa phương được hỗ trợ. Số lượng DN nông nghiệp tăng từ 2.379 DN năm 2007 lên 3.635 DN năm 2014 và đến 7 tháng đầu năm 2017 có 1.156 DN đăng ký thành lập mới đưa số lượng DN đạt trên 5.000 DN. Đặc biệt trong thời gian qua đã thu hút được một số DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, đây là các DN đầu tàu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất quy mô lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn và là nhân tố tạo hiệu ứng thúc đẩy các DN lớn khác đầu tư vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Mặc dù có xu hướng tăng lên, tuy nhiên theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng số lượng các DN còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác, DN nông nghiệp chiếm dưới 1% tổng DN cả nước. Quy mô DN nông nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa, 55% DN có mức vốn dưới 5 tỷ đồng, gần 50% DN siêu nhỏ dưới 10 lao động. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, 75% DN đang sử dụng máy móc thiết bị hết khấu hao, khu vực DNNVV, siêu nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ.

Một hạn chế khác là huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn thấp, chỉ chiếm 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước. Ngân sách dành cho nông nghiệp giải ngân cho mục tiêu thu hút đầu tư còn thấp. Ngân sách trung ương năm 2015 hỗ trợ thí điểm, năm 2016 ngân sách trung ương hỗ trợ chỉ còn 185 tỷ đồng.

Những hạn chế lớn về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Nghị định 210/2013/NĐ-CP như đối tượng thụ hưởng chính sách, lĩnh vực, địa bàn áp dụng, chưa huy động sự tham gia phù hợp của các thành phần kinh tế; đối tượng thụ hưởng chính sách còn khắt khe, thủ tục phức tạp; Nguồn ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp, chậm; Thủ tục hành chính DN phải thực hiện 16 bước (khoảng 40 văn bản liên quan); Việc tổ chức thực hiện nhiều địa phương thực hiện chậm, thiếu quyết liệt, chưa dành ngân sách để thực hiện. Ngoài ra, những hạn chế về tích tụ đất đai, tín dụng, thuế, bảo hiểm nông nghiệp… đang là điểm nghẽn lớn trong việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.

Những hạn chế trong cơ chế chính sách đã ban hành trong thời gian qua đã đặt ra nhu cầu bức thiết phải sửa đổi và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo sửa đổi thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với mục tiêu tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN vào nông nghiệp thông qua kiến tạo cơ chế chính sách khả thi đáp ứng nhu cầu phát triển của DN. Hiện nay, hai bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp và hội thảo, trong phạm vi quy định của pháp luật, dự thảo nghị định cố gắng vận dụng tối đa các quy định của luật để ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP, dự kiến ban hành vào quý IV/2017.

Để tạo cú hích lớn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa một số luật liên quan như: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Thuế, tiến tới xây dựng Luật DN đầu tư vào nông nghiệp.