Tham gia CPTPP: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc

Theo Phong Cầm/nhadautu.vn

Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019. Kết quả phân tích của một số nghiên cứu cho thấy, CPTPP xét về tổng thể là có lợi cho Việt Nam, với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế.

 Khi tham gia CPTPP, xét về tổng thể là có lợi cho Việt Nam, với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế.
Khi tham gia CPTPP, xét về tổng thể là có lợi cho Việt Nam, với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế.

Gia tăng xuất khẩu

Ngày 12/11/2018 là một ngày đặc biệt khi Quốc hội biểu quyết và thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, với CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích không nhỏ từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch hơn 4%, tương đương khoảng 4 tỷ USD.

Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu ở nội khối với tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP thêm 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương 2,61 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang các quốc gia ngoài CPTPP sẽ tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỷ USD). Như vậy, CPTPP có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia hiệp định này có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước.

Trong đó, dệt may và da giày được cho là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất về tăng thêm quy mô sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm của dệt may được dự báo sẽ ở mức cao (từ 8,3% đến 10,8%), do đây là ngành có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được các thị trường chủ lực là Mỹ và EU.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tham gia CPTPP là cơ hội lớn để ngành Dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối, nhất là những thị trường tiềm năng như Australia, New Zealand. Theo ông Trường, đây là hai thị trường có sự phát triển cao, mức tiêu thụ khoảng 10 tỷ USD/năm trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD. Chính vì vậy, dung lượng để mở rộng thị phần rất lớn, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng hơn 10% của ngành.

Hiện, mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành Da giày vào thị trường Nhật Bản cũng đang ở mức khoảng 12%, Mexico 11%, Canada 16%, Australia 18,4%. Trong khi mức bảo hộ hiện nay của nhóm ngành này ở các nước trong khối còn khá cao, chênh lệch giữa mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường MFN (Most favoured nation) và mức thuế quan ưu đãi trong CPTPP cũng khá lớn, đồng nghĩa với việc cắt giảm thuế quan càng tạo ra thuận lợi lớn trong cạnh tranh về giá cho ngành này.

Một số chuyên gia cũng cho biết, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động cũng được hưởng lợi từ CPTPP. Theo tính toán, CPTPP có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4% đến 5%, và mức tăng xuất khẩu có thể đạt thêm từ 8,7% đến 9,6%. Cùng đó, mức độ ảnh hưởng của CPTPP tới các ngành công nghiệp nặng được đánh giá sẽ không quá lớn với mức tăng trưởng tăng thêm chỉ được dự báo ở mức từ 0,8% đến 1,2%. Việt Nam vốn không có lợi thế cạnh tranh ở nhóm hàng công nghiệp nặng, vì đây là những ngành thâm dụng vốn. Các nước trong CPTPP cũng không phải là các đối tác chính có thể thúc đẩy công nghiệp nặng của Việt Nam phát triển.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định, tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông - thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ giúp tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035, nhờ đó, tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. 

Theo ông Cương, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đã chính thức bước vào sân chơi toàn cầu kể từ năm 2007 - thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do cả song phương lẫn đa phương. Từ thực tế tham gia sân chơi toàn cầu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã gặt hái thành công ở mức độ nhất định, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của nước ta luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.  

Nâng cao vị thế Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý - Giám đốc Quỹ  Vận hành Ylinkee Venture cho rằng, CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất và cũng chính là nguồn động lực cho sự cải cách kinh tế của Việt Nam một cách sâu rộng. Dự kiến, hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia để từ đó có thể cải cách nhiều lĩnh vực và nâng cao vị thế kinh tế, chính trị. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.

Về kinh tế, việc tham gia CPTPP xét trên tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Đồng thời, cũng sẽ thúc đẩy việc cải cách các tổ chức, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch.

Phát biểu trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến giúp cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cơ hội việc làm, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên, bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 USD. Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo có thu nhập 5,5 USD một ngày. “Với việc Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tham gia, hiệp định bao phủ 13,5% GDP toàn cầu. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP, giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, việc tham gia CPTPP thực sự nâng cao vị thế của đất nước, giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.