Thận trọng không thừa

Theo Đại biểu Nhân dân

Không phải đợi đến khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm, cảm giác mong manh về mục tiêu lạm phát năm nay mới xuất hiện. Áp lực lạm phát gia tăng đòi hỏi các giải pháp phải thực sự căn bản chứ không đơn thuần là sự trì hoãn.

Thận trọng không thừa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đưa lạm phát năm nay xuống thấp hơn năm ngoái, tức là phải dưới 6,81%, thì chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, con số này đã vọt lên mức 2,59% - theo tính toán của Tổng cục Thống kê. Trước diễn biến này, vẫn có hai luồng quan điểm khác nhau về khả năng đạt được mục tiêu lạm phát trong năm nay.

Dựa trên việc phân tích các yếu tố tác động lên lạm phát, quan điểm thứ nhất cho rằng lạm phát năm nay sẽ vẫn ở mức thấp, và mục tiêu dưới 7% Quốc hội đưa ra hoàn toàn có thể thực hiện được. Trước tiên phải kể đến tổng cầu chưa có khả năng cải thiện do người dân và doanh nghiệp đều đã ngấm đòn của suy thoái kinh tế. Trong ngắn hạn, nền kinh tế chưa thể phục hồi và thu nhập khó có thể tăng mạnh. Giá cả hàng hóa thế giới năm 2013 được dự báo có xu hướng hạ nhiệt so với năm 2012 trong khi nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước có nhiều triển vọng tăng lên khiến giá cả có thể giảm. Yếu tố quan trọng nhất tác động tới lạm phát là cung cầu tiền tệ, ở khía cạnh này, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12% thì lạm phát năm 2013 hoàn toàn không đáng lo ngại. Nhiều khả năng các chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN sẽ diễn ra thận trọng hơn bởi NHNN đã được giao một phần trách nhiệm điều hành giữ lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013.

Luồng ý kiến này cũng tính đến kịch bản nếu NHNN bơm mạnh tiền giá rẻ để cứu bất động sản hoặc tăng đầu tư, gây thâm hụt ngân sách thì lạm phát sẽ nhanh chóng quay lại và tăng mạnh vào cuối năm. Tuy nhiên, họ hy vọng với những bài học sâu sắc từ quá khứ, điều này sẽ không diễn ra trong năm nay – thời điểm nền kinh tế đang ở bước ngoặt của lộ trình tái cơ cấu, trong đó mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, ngay cả khi Chính phủ đã quyết liệt kiềm chế lạm phát từ đầu năm, (mới đây nhất là quyết định chưa tăng giá xăng dầu ngày 26.2) thì điều này mới chỉ có tác dụng trì hoãn sự gia tăng của giá cả. Nói cách khác, chỉ tiêu lạm phát khoảng 7% trong năm 2013 đang thực sự rất mong manh. Nhiều khả năng, lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%.

Dự cảm này xuất phát từ thực tế là thời gian qua, nhiều chính sách đã được thực thi nhằm mục tiêu giữ CPI chứ không phải hướng đến kiềm chế lạm phát như bản chất của nó cho nên kết quả kiểm soát lạm phát chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và chưa vững chắc, các yếu tố gây nên lạm phát cao chưa giải quyết được gốc rễ. Chẳng hạn, việc kìm giữ giá xăng dầu, hay mỗi dịp Tết đến, hàng chục tỷ đồng với lãi suất thấp được tung ra đều nhằm mục đích bình ổn giá... nhưng các giải pháp đó chỉ có thể ghìm cương giá cả trong một khoảng thời gian nhất định, tới lúc nào đó không thể ghìm nữa thì giá cả sẽ tăng bù lại như lẽ đương nhiên và lạm phát sẽ tiếp tục leo thang. Trong năm nay, giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ dự kiến trong lộ trình điều chỉnh (mà lẽ ra đã phải được điều chỉnh trước đó) sẽ là nhân tố đóng góp lớn vào tăng CPI.

Đặc biệt, áp lực lạm phát trong các tháng còn lại sẽ còn nặng nề hơn do cung tiền và tín dụng đã tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2012. Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC bày tỏ lo ngại nhiều hơn về các động thái bơm tín dụng của Chính phủ vào các lĩnh vực đang gặp khó khăn mà không có những cải cách cụ thể để tăng tính minh bạch của khu vực tài chính và khối doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo cho rằng, những biện pháp như vậy sẽ làm tăng rủi ro mang tính hệ thống mà không giải quyết những thách thức cơ bản của nền kinh tế.

Dù có dự báo khác nhau về khả năng đạt mục tiêu lạm phát dưới 7% trong năm nay nhưng cả hai luồng ý kiến đều thống nhất rằng, Chính phủ sẽ phải thận trọng nếu muốn duy trì lạm phát một con số, bởi áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng song các chính sách ứng phó thì chưa đủ để yên tâm. Và trong dài hạn, lạm phát vẫn là vấn đề nan giải do chất lượng tăng trưởng thấp và khó khắc phục.