Thị trường giá cả 2013: Những nhân tố ảnh hưởng và giải pháp điều hành

Hữu Tuấn

(Tài chính) Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. CPI bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Như vậy, có thể nói đây là năm thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định giá cả. Dù có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối đến chỉ số này nhưng những biện pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ đã có tác dụng quan trọng đến những kết quả đạt được trong ổn định giá cả và thị trường.

Thị trường giá cả 2013: Những nhân tố ảnh hưởng và giải pháp điều hành
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát

Kết thúc năm 2012, CPI tháng 12/2012 chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011. CPI bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Dù đã thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng đây lại là năm mà chỉ số CPI có nhiều biến động bất thường, cụ thể là: CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1,0% vào tháng 1/2012 và tăng 1,37% vào tháng 2/2012) nhưng tăng cao nhất vào tháng 9/2012 với tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng của CPI đã chậm dần trong tháng cuối năm, điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.

Trong năm 2012, có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%. Ngoài ra, CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (Tháng 6 và tháng 7). Về nhóm hàng, CPI bình quân của nhiều nhóm hàng năm 2012 có mức biến động lớn và khác xu hướng so với năm trước. Riêng nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011.

Tuy nhiên, CPI cả năm 2012 tăng thấp vẫn là điều người dân mong đợi, là điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần phục hồi sản xuất, giúp Chính phủ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, có thể nói việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 là kết quả của việc duy trì thực hiện nghiêm chính sách thắt chặt tài khoá và tiền tệ của Chính phủ, biện pháp quan trọng nhất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp về cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, thực hiện nhiều giải pháp về tiết kiệm chi tiêu và các giải pháp về tiền tệ, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá... cũng có tác động tích cực tới CPI năm 2012. Ngoài ra, các giải pháp về quản lý, điều hành giá từng bước theo cơ chế thị trưòng của Chính phủ cũng có những ảnh hưởng tích cực tới mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2012.

Giá cả năm 2013 chịu tác động bởi yếu tố nào?

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011 - 2020, để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Do vậy, năm 2013 là năm có ý nghĩa bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam trong xu thế phục hồi của kinh tế toàn cầu. Diễn biến giá cả, thị trường trong năm 2013 dự báo cũng sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan cũng như những tác động điều chỉnh từ phía Nhà nước. Cụ thể:

Tác động của giá thế giới: Giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp khi các bất ổn chính trị vẫn đang bùng phát tại nhiều nước. Trong khi đó, khoảng 50-60% các mặt hàng nhóm nhiên liệu của Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên giá cả sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn của giá thế giới. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự hồi phục, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện nhiều, sức mua còn yếu nên áp lực tăng giá hàng hóa sẽ thấp hơn.

Yếu tố mùa vụ: Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến cung - cầu và do đó ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong một thời kỳ nhất định. Theo đó, giá nhiều mặt hàng nhóm thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng thường tăng cao khi nhu cầu tăng mạnh vào những dịp lễ, Tết đặc biệt là khi các kênh nhập lậu qua biên giới đã bị kiểm soát chặt chẽ.

Tiếp tục mở cửa thị trường theo cam kết trong ASEAN, WTO: Trong năm 2013, một số cam kết về mở cửa thị trường, giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong ASEAN và WTO tiếp tục được thực hiện. Do đó, hàng hoá nước ngoài được đưa vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, làm tăng lượng cung ứng hàng hoá trên thị trường và có thể khiến giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá hàng tiêu dùng sẽ giảm xuống. Việc giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường là một yếu tố làm giảm đáng kể lạm phát trong năm 2013.

Điều chỉnh tăng lương tối thiểu: Trong năm 2013, lương tối thiểu dự kiến điều chỉnh tăng 17 - 18%. Theo đánh giá ban đầu, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể thấy, tỷ trọng khu vực phi chính thức ở Việt Nam khá lớn và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu có thể tạo làn sóng gây tăng giá trên thị trường theo áp lực tâm lý. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu góp phần quan trọng trong kích thích tổng cầu của nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, điều này có thể làm tăng cung ứng tiền tệ trong lưu thông và do đó có nguy cơ làm tăng lạm phát.

Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng: Do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đồng thời là nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực, ngành nghề nên biến động của giá xăng dầu có khả năng gây biến động giá cả các hàng hóa và dịch vụ khác trong nền kinh tế. Ngoài xăng dầu, mặc dù giá điện được điều chỉnh tăng 1,7% vào khoảng cuối tháng 12/2012 nhưng không gây ra cú sốc giá cả trong nền kinh tế. Trong năm 2013, việc điều chỉnh giá điện tiếp tục thực hiện nhưng cần thực hiện vào điểm thích hợp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để phát triển. Đối với dịch vụ y tế trong năm 2012, chỉ số giá dịch vụ y tế tăng mạnh ở mức 20,37%. Dự báo, chỉ số giá dịch vụ y tế, giáo dục khó có khả năng giảm trong năm 2013 do nhu cầu dịch vụ y tế và giáo dục tăng, chưa kể đến yếu tố mùa vụ như các dịch bệnh có khả năng tăng lên vào mùa hè biến đổi khí hậu hoặc nhu cầu về dụng cụ học tập vào dịp khai giảng năm học mới của ngành giáo dục.

Tác động của giảm thuế TNDN và lãi suất ngân hàng: Trong năm 2012, thuế TNDN vẫn duy trì ở mức 25%. Để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong điều kiện thị trường suy giảm mạnh, thuế TNDN đuợc đề xuất giảm xuống 23%, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ: được áp dụng thuế suất 20%. Việc giảm thuế có khả năng giảm bớt gánh nặng thuế khoá đối với doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành, thúc đẩy khả năng tiêu thụ và tăng khả năng cạnh tranh. Song song với việc giảm thuế, để tiếp tục kích thích kinh tế, việc giảm lãi suất có thể tiếp tục được thực hiện trong năm 2013. Giảm lãi suất vừa là yếu tố kích cầu vừa là yếu tố kích thích đầu tư cùng với giảm thuế giúp doanh nghiêp được thành lập và mở rộng kinh doanh, thu hút việc làm, làm tăng tổng cầu nền kinh tế và có khả năng làm tăng giá. Ở một khía cạnh khác; việc giảm sâu lãi suất có thể giảm lượng liền thu hút vào ngân hàng nhưng lại làm gia tăng lượng tiền trong lưu thông, những mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản vốn là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam nhưng tiềm năng sản xuất bị hạn chế có thể làm giảm nguồn cung ứng hàng hoá trên thị trường. Đây là yếu tố gây tăng giá các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản trong nước và do đó, ỉàm tăng giả cả của nhóm hàng hoá trong rổ hàng hoá CPI gây biến động đến giả cả và lạm phát. Việc đẩy mạnh nhập khẩu có thể làm tăng sự phụ thuộc giá trong nước vào giá thị trường thế giới, nên cần có sự phối hợp, cân đối, duy trì trạng thái cân bằng giữa xuất - nhập khẩu.

Biến động từ lĩnh vực ngân hàng: Với tình trạng nợ xấu của ngân hàng thương mại ở mức cao, nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, khả năng vỡ nợ và phá sản của ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, không có khả năng liên kết hoặc hợp tác với các ngân hàng lớn là khó tránh khỏi. Nếu các ngân hàng phá sản sẽ làm giảm lòng tin vào hệ thống ngân hàng và việc điều hành chính sách thuộc lĩnh vực quản lý tín dụng của Việt Nam, gây tụt hạng của hệ thống. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể thoái vốn và nhũng biến động về giá cả các loại tài sản tài chính, bất động sản... có thể xảy ra. Ngoài ra, rối loạn trên thị trường dịch vụ ngân hàng gây tác động xấu đến mức độ tín nhiệm của ngân hàng, kéo theo làn sóng đầu cơ hoặc các giao dịch ngầm, gây bất ổn giá cả trên thị trường.

Cần giải pháp đồng bộ và linh hoạt

Với những yếu tố phân tích nêu trên, dự báo năm 2013 áp lực tăng CPI là đáng kể. Việc giữ cho lạm phát ở mức độ ổn định sẽ là điều kiện cơ bản để nền kinh tế có cơ sở tăng trưởng bền vững. Do đó, nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra là kiềm chế lạm phát, Ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013, phát triển nhanh bền vững trong các năm tiếp theo đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ và linh hoạt của nhiều giải pháp, công cụ chính sách kinh tế trong đó có giải pháp quản lý, điều hành giá cả. Cụ thể:

Một là, kiên trì mục tiêu điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu của thị trường và phù hợp với quy định của pháp luật. Nhà nước áp dụng chủ yếu các biện pháp gián tiếp, vĩ mô để tác động vào mặt bằng giá theo quy định của Luật Giá nhằm bình ổn giá theo mục tiêu.

Hai là, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá. Thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ba là, giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá. Đồng thời, xây dựng phương án, lộ trình điểu chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân để hạn chế thấp nhất những tác động xấu cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bốn là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; áp dụng có hiệu quả việc giải quyết “điểm nghẽn” hiện nay của nền kinh tế là tình trạng nợ xấu và hàng tồn kho nhằm khơi thông luồng tín dụng, thức đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp; cải thiện tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ. Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm - thời điểm CPI thường tăng do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng cao, lượng tiền ra lưu thông nhiều hơn những tháng bình thường.

Năm là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh công tác thu thập, xử lý, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát.

Sáu là, tiếp tục triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ; tích cực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kích thích tiêu đùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại..! Bên cạnh đó, các địa phương có thể nhân rộng mô hình dự trữ hàng hóa bình ổn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng vật tư, thiết yếu.

Bảy là, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bình ổn tỷ giá hối đoái. Mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý; Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với mức lãi suất hợp lý, phù hợp vái diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiển tệ. Kiểm soát việc cung tín dụng theo hướng tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường tiền tệ.

Tám là, tăng cường phổ biến tình hình kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai các thông tin về giá các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nuớc và quốc tế đặc biệt chú trọng đối với nhũng hàng hóa, dịch vụ có tính chất quan trọng và phạm vi tác động rộng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống như điện, than, xăng dầu... để các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ và ủng hộ các chính sách của Nhà nuớc, hạn chế tình trạng tăng giá do tâm lý.

Tóm lại, tốc độ lạm phát năm 2012 dưới 7% là yếu tố thuận lợi cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song yếu tố ổn định của lạm phát còn chưa cao, áp lực lạm phát từ các nhân tố tác động chính yếu có khả năng giảm nhẹ nhưng có thể “bùng phát” bất kỳ lúc nào nếu như các chương trình hỗ trợ, kích thích tăng trưởng thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ không hợp lý và hiệu quả. Chính vì thế, cần thiết phải thực hiện hiệu quả các giải pháp ngắn hạn, đồng thời vẫn phải chú trọng tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các giải pháp trong dài hạn trên cơ sở các nguyên tắc nền tảng đảm bảo mối quan hệ bền vững giữa tăng trưởng và lạm phát.