Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công giải pháp "kích cầu" nền kinh tế sau dịch


Theo các chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm từ các lần kinh tế gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì tăng chi tiêu Chính phủ, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là giải pháp hữu hiệu để phá bỏ sự co cụm. Trong tất cả các giải pháp, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp khá quan trọng, giúp "kích cầu" nền kinh tế sau dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020, với mức 8,3%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tính chung 2 tháng đầu năm đạt 36,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 8,2% và tăng 3,8%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Được biết, theo kế hoạch, năm 2020 tổng số chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước là 470.600 tỷ đồng, bao gồm: vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng và vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân được chỉ ra là do tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán, đồng thời lại chịu tác động kép từ dịch Covid-19, nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công. Thêm vào đó, trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm từ các lần kinh tế gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì tăng chi tiêu Chính phủ, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là giải pháp hữu hiệu để phá bỏ sự co cụm.

Trong tất cả các giải pháp, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp khá quan trọng giúp "kích cầu" nền kinh tế sau dịch.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến cầu của nền kinh tế tăng lên và điều này kích thích các doanh nghiệp quay trở lại ngay với sản xuất để tạo thị trường. Hơn nữa, đầu tư công được đẩy mạnh vào xây dựng hạ tầng cơ bản không chỉ tạo được cầu trước mắt mà còn thu hút các hoạt động kinh tế - xã hội, những nguồn lực đầu tư khác đi theo, tạo yếu tố dài hạn cho phát triển.

Đẩy mạnh đầu tư công là quan trọng nhưng trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia có chung nhận định cần cách làm mới hơn, mạnh dạn và sáng tạo trong công tác này. Vấn đề vào lúc này là cần ưu tiên cho những dự án động lực, có sự lan tỏa cao. Chẳng hạn, với các công trình quan trọng có thể chuyển hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.

Những lúc khó khăn, nhiều biến động như hiện nay rất cần những cách làm mới, sáng tạo và kịp thời hơn. Đây cũng là cơ hội để thay đổi cách làm và linh hoạt cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Mới đây, tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành về các giải pháp khắc phục khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ lớn là đẩy mạnh giải ngân vốn tư công vào các lĩnh vực của nền kinh tế.