“Tiết kiệm” 7 tỷ USD nhập khẩu nếu công nghiệp ô tô trong nước phát triển
Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là với các loại xe đến 9 chỗ, thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, đến năm 2030 khoảng 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3.000 USD, và thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó, nhu cầu thị trường ô tô trong nước bước vào năm 2025 có thể lên trên 600.000 xe/năm. Với quy mô thị trường này, thị trường có khả năng tự thu hút các nguồn lực để phát triển ổn định.
Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là với các loại xe đến 9 chỗ, thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, đến năm 2030 khoảng 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát triển công nghiệp ô tô tạo cơ hội thu hút vốn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản trị kinh doanh từ các quốc gia công nghiệp phát triển, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động với trình độ và thói quen công nghiệp tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, với nền công nghiệp ô tô phát triển, sẽ đáp ứng một phần các nhu cầu đóng mới, sửa chữa phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nền công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi song cũng đối mặt với không ít những khó khăn do cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đặc biệt là sau năm 2018, thuế nhập khẩu các dòng xe từ ASEAN sẽ là 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hoá RVC từ 40% trở lên.
Để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong việc định hướng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành ô tô, việc tăng cường liên kết giữa các nhà sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp (DN) trong nước là một điều kiện tất yếu để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành ô tô, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã xây dựng nhiều chính sách phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Từ những chính sách đã ban hành, ngành công nghiệp ô tô đã đạt được một số thành tưu: tính đến hết năm 2016, trong nước có khoảng 173 DN sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47% DN trong nước khoảng 53%.
Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Thaco Trường Hải, Toyota, Hyundai....) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước với snar lượng 150.000 xe trên tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016. Một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất nước đạt tỷ lệ nội địa hoá cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hoá trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hoá đạt từ 45% đến 55% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch.
Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ.... Ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.
Đồng thời, đã có nhiều DN sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục đầu tư nâng cao công suất như Thaco Trường Hải mở rộng sản xuất dòng xe Mazda với công suất 100.000 xe/năm. Huydai Thành Công mở rộng sản xuất dong xe Hyundai với công suất 40.000 xe/năm. Tập đàn VingGroup đầu tư tại Hải Phòng để sản xuất dòng xe mang thương hiệu Vinfast với công suất 500.000 xe/năm.
Mặc dù đã có những kết quả đáng chú ý nhưng Bộ Công Thương cũng cho rằng ngành công nghiệp ô tô còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, thị trường trong nước và khu vực tiếp tục mở rộng, các nhà sản xuất ô tô trong nước cần có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với mục tiêu trên 40% để hưởng các ưu đãi thuế AFTA nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.