Tìm cơ hội ở thị trường AEC

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Để xây dựng nền kinh tế vững chắc, ổn định và giàu mạnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam nên coi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là thị trường cần hợp tác lâu dài, trong khi giảm bớt lệ thuộc vào các thị trường đang tiềm ẩn rủi ro…

Việt Nam có nhiều lợi thế về hợp tác phát triển kinh tế biển (ngư nghiệp, giao thông vận tải quốc tế, công nghiệp đóng tàu) với AEC. Nguồn: internet
Việt Nam có nhiều lợi thế về hợp tác phát triển kinh tế biển (ngư nghiệp, giao thông vận tải quốc tế, công nghiệp đóng tàu) với AEC. Nguồn: internet
Cân nhắc "liều lượng” nhập siêu

Chuyên gia về cơ khí động lực và động cơ đốt trong - PGS., TS. Nguyễn Lê Ninh cho biết, trong thời gian điều hành tại DEMETEC - một doanh nghiệp (DN)  xe chuyên dùng thuộc Tổng công ty SAMCO (Sở GTVT TPHCM), ông đã nhiều lần làm việc với các DN Trung Quốc trong lĩnh vực này. Đó là giai đoạn mà DEMETEC nắm giữ sáng chế và phân phối độc quyền về xe chuyên dùng trên thị trường cả nước, như xe rác ở Công ty HAPULICO, xe chữa cháy ở Công ty SAMCO, Công ty Động lực, Nhà máy Z.753… "Có thể nói, lúc đó rất hiếm hoi có DN sản xuất xe chuyên dùng nào của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với DEMETEC. Nhiều DN Trung Quốc đã đặt thẳng vấn đề mua lại sáng chế của DEMETEC, tuy nhiên lãnh đạo công ty đã từ chối”, ông Ninh nhớ lại.

Từ kinh nghiệm thực tế nêu trên, PGS., TS. Nguyễn Lê Ninh cho rằng: hiện nay tiềm năng, cũng như sức sáng tạo trong nhân dân là rất lớn. Vấn đề là Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để khích lệ, tạo điều kiện phát huy nguồn nội lực đó. Cùng quan tâm về vấn đề này, VS., TS. Nguyễn Chơn Trung, Phó trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam phải nhanh chóng tự chủ về kinh tế. Liên quan đến một số thị trường còn lệ thuộc nhập siêu, ông Trung góp ý, Chính phủ nên rà soát lại các chương trình hợp tác chiến lược, trên cơ sở đó củng cố lại việc hợp tác chiến lược với từng nước, chọn lọc những cán bộ có tâm huyết, năng lực và trong sạch để đảm bảo các chương trình chiến lược có hiệu quả nhất.

"Tôi cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là thực hiện chương trình hiện đại hóa công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công nghiệp phụ trợ, đồng thời hiện đại hóa nông nghiệp, trong đó nhanh chóng hiện đại hóa ngư nghiệp, ông Trung khuyến nghị.

Cơ hội lớn từ AEC

Ý tưởng về thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức các nước ASEAN lần thứ 2 tại Kuala Lumpur (1997) nhằm hướng đến một cộng đồng liên kết, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực của khu vực. Đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 tại Cebu (2007), các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất quyết định sẽ thành lập AEC vào năm 2015. Đặc biệt, ngay sau đó Tuyên bố Hua Hin Cha-am về Lộ trình xây dựng AEC cũng đã được ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại ASEAN.

Chuyên gia nghiên cứu về AEC, bà Đào Thị Thu Hiền (giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, cơ hội của Việt Nam đối với AEC là rất lớn. Dự báo cộng đồng kinh tế này sẽ tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề ASEAN. Mục tiêu của AEC là hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. "Không chỉ có cơ hội hợp tác 10 quốc gia trong khối ASEAN và các DN Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn là các đối tác của khối như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, NewZealand thông qua các hiệp định thương mại tự do riêng rẽ giữa ASEAN với các đối tác kinh tế này”, bà Hiền nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, theo VS., TS. Nguyễn Chơn Trung, lâu nay bất cập còn tồn tại là ta còn ký nhiều chương trình hợp tác chiến lược, hợp tác toàn diện với nhiều nước nhưng quá trình cụ thể hóa rất chậm, hiệu quả thấp. TS. Nguyễn Đăng Liêm (Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh) góp ý: Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, Việt Nam cần chủ động củng cố thị trường nội địa và mở rộng đa dạng, đa phương với các thị trường tiềm năng, theo hướng nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào các thị trường có nguy cơ rủi ro cao.

"Bối cảnh hiện tại đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam chủ động liên minh, hợp tác bền vững trong nội khối ASEAN và mở rộng hội nhập quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới trong bảo vệ chủ quyền đất nước. Đặc biệt, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp kinh tế biển; tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để tham gia vào hiệp định hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nâng tầm vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, cả về mặt kinh tế và chính trị, ngoại giao”, TS. Liêm nhấn mạnh.