Trách nhiệm của năm kinh tế bản lề 2013

Theo Đại biểu Nhân dân

Xuân Quý Tỵ, mùa xuân thứ ba chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó, một trọng tâm hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, được đặt ra trong giai đoạn này, là tiến hành tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế. Và năm 2013, được coi là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, để thực hiện những công việc cốt lõi, cơ bản của quá trình tái cơ cấu. Trách nhiệm này, vì lẽ đó, cũng hết sức quan trọng.

Trách nhiệm của năm kinh tế bản lề 2013
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực chất, những năm đổi mới, hội nhập, nền kinh tế chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường, thì việc tái cấu trúc các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh trong nền kinh tế đã được diễn ra trong một chừng mực nào đó, một cách hết sức tự nhiên, theo các quy luật kinh tế, chí ít để các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Nhưng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, yêu cầu về tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế mới được đặt ra một cách chính thức, như một yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, trong bối cảnh mới. Có đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chúng ta mới có nền tảng tốt để có những bước tiến nhanh, bền vững trong hội nhập.

Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nêu ngắn gọn nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 là ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết XI nêu ngắn gọn là vậy, nhưng lại bao hàm rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, mà trong các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, từng vấn đề được nêu rõ hơn. Việc cơ cấu lại nền kinh tế nêu trong Nghị quyết XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 3, diễn ra vào đầu tháng  11 năm 2011, trong đó, trọng tâm cơ cấu đã được xác định rõ là phải tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Cho dù nhiều đề án tái cấu trúc, đặc biệt là với các tập đoàn kinh tế nhà nước, tới thời điểm ngay trước năm bản lề này mới được phê duyệt, nhưng điều quan trọng, là toàn xã hội đã chứng kiến những chuyển biến khá rõ nét trong năm Nhâm Thìn 2012, với quyết tâm của Trung ương Đảng, thể hiện qua tinh thần từng Hội nghị Trung ương, được cụ thể hóa ngay trong những Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch hành động của Chính phủ.

Người dân đã chứng kiến những diễn biến nóng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong năm qua, như việc kiên quyết đấu tranh với những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, phanh phui các thao túng qua hình thức sở hữu chéo đối với lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng, chứng khoán một cách bất hợp pháp. Rồi những vụ sáp nhập ngân hàng diễn ra một cách êm thuận, đúng định hướng Ngân hàng Nhà nước đưa ra theo đề án Tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng. Tất cả cho thấy quyết tâm, cũng như khả năng hiện thực hóa việc tái cấu trúc một trong 3 lĩnh vực trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Những động thái tái cấu trúc khối doanh nghiệp Nhà nước cũng đã có những chuyển biến rõ nét, với việc Chính phủ quyết định ngừng thí điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước, có lộ trình giảm bớt số tập đoàn hiện tại, theo hướng đi vào chiều sâu, với những tập đoàn mang tính cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, kỳ vọng tạo được những “quả đấm thép” cho nền kinh tế.

Riêng câu chuyện tái cơ cấu trong đầu tư công, năm Nhâm Thìn 2012 vừa qua mới chỉ chứng kiến sự chuyển động rất nhẹ, khi mà chưa có một đề án nào về nội dung này. Và trong điều kiện cụ thể, đặc biệt khó khăn của năm qua, thì chuyện “cắt giảm” đầu tư, cũng chỉ thực hiện được về mặt hình thức, là cắt giảm đa số ở những dự án chưa có tài trợ từ ngân sách, và cũng chỉ tích cực trong nửa đầu năm.

Nhìn lại công việc tái cấu trúc 3 lĩnh vực chủ chốt đã thực hiện được năm qua, mới thấy áp lực cho năm “bản lề” này là khá nặng. Với ý nghĩa bản lề, nền kinh tế Việt Nam 2013 phải có những chuyển biến thật sự rõ nét, đòi hỏi việc tái cơ cấu các lĩnh vực cũng phải chuyển động mạnh hơn, có nét hơn, tạo ra những nền tảng cơ bản, quan trọng, quyết định cho bước phát triển tiếp theo của kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Ông cha ta từng đúc kết có bột mới gột nên hồ. Bột của quá trình tái cấu trúc, trước tiên phải từ thể chế. Hoàn thiện thể chế, là tạo ra quy định, luật lệ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tế, của quá trình tái cấu trúc đang chuyển động, mới thúc đẩy quá trình này nhanh được. Tiếp theo hoàn thiện thể chế, ngoài quyết tâm chính trị, còn là những yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đặt ra với từng lĩnh vực, từng ngành, có người chịu trách nhiệm cụ thể cho từng phần công việc.

Nếu ví việc tái cấu trúc năm 2012 như hình ảnh một cỗ xe bắt đầu chuyển động, thì năm Quý Tỵ 2013 này, cỗ xe đó phải tăng tốc. Tuy nhiên, tăng tốc trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn ngổn ngang các vấn đề khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu, chưa lấy lại đà phục hồi, chứa đựng nhiều yếu tố bất định, gây khó cho các nhà hoạch định chính sách, cùng toan tính của cộng đồng doanh nghiệp; tăng tốc trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng trong giai đoạn rất khó khăn sau một thời kỳ tăng trưởng “nóng”, nhiều mặt hạn chế đã lộ rõ. Ấy là những chướng ngại vật, có thể ngáng trở cỗ xe tái cấu trúc.

Vậy đâu sẽ là cơ sở để năm Quý Tỵ, cỗ xe tăng tốc, bứt phá?

Nhìn lại năm 2012 đầy khó khăn, chúng ta vẫn thấy lấp lánh những điểm sáng, đó là lạm phát đã được kiềm chế, tăng trưởng GDP tuy chưa đạt mục tiêu kỳ vọng, mới đạt mức 5,03%, nhưng chính nhờ những yếu tố này, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định. Năm 2012 là năm đầu tiên sau cả chục năm, nền kinh tế mới có xuất siêu, một phần nhờ xuất khẩu vẫn duy trì được nhịp độ tốt. Cán cân thanh toán cân bằng, cùng chính sách quản lý ngoại hối phát huy tác dụng, ổn định tỷ giá, đã tăng niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam. Công tác an sinh, trong khó khăn, lại được làm rất tốt. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tiếp tục triển khai các chính sách, nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, đưa kinh tế đất nước tiếp tục bước phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

Một mùa xuân mới đã đến. Không để lỡ nhịp thời gian, đó là điều mỗi người trong chúng ta có thể cảm nhận được, khi sẽ chứng kiến từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai rất sớm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2013, với các chương trình hành động khá rõ ràng, có tính khả thi.

Xuân Quý Tỵ, với bao niềm tin và khát vọng, chắc chắn sẽ mở đầu cho một năm mới - mang tính bản lề của kế hoạch 5 năm - thành công tốt đẹp!