Triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực trong trung hạn

Theo Nguyễn Hường/congthuong.vn

Đó là nhận định của ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

WB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế của Việt Nam như kỳ dự báo trước. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh dự báo sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% năm 2019 và giảm còn khoảng 6,5% năm 2020, 2021. Đây là tốc độ được coi là bền vững, phù hợp với mức sản lượng tiềm năng của Việt Nam. So với báo cáo hồi tháng 4, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất thuộc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được giữ nguyên dự báo cho hai năm 2019 - 2020.

Triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực trong trung hạn - Ảnh 1
 

Báo cáo của WB cũng cho rằng, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì tốt dù chịu tác động từ căng thẳng thương mại toàn cầu đang leo thang. Tăng trưởng kinh tế và kỷ cương ngân sách được duy trì đã góp phần giúp tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm từ đỉnh ở mức 59,6% (tính theo định nghĩa của IMF) năm 2016 xuống còn khoảng 54,6% năm 2019 và hiện thấp hơn nhiều so với trần nợ 65% theo luật định.

Đánh giá cao về xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang tăng lên 10 bậc vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, ông Jacques Morisset cho rằng: “Thứ hạng này chứng tỏ những chính sách cải cách của Việt Nam được thực hiện nhanh hơn ở các quốc gia khác”.

Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng qua, ông Jacques Morisset cho biết, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút nhiều FDI hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn còn yếu. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Các chuyên gia của WB cũng nhận định, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế trên toàn cầu, do mở cửa thương mại mạnh mẽ và dư địa chính sách hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam.

Trước những rủi ro này, WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách kinh tế cẩn trọng, giảm mức nợ công trên GDP. Những biện pháp cẩn trọng này giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn có động lực tăng trưởng mạnh và lại có những phản ứng chính sách thận trọng để bảo vệ cho mình và có các vùng đệm vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai.

Ông Andrew Mason - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á- Thái Bình Dương: Đây là thời điểm Việt Nam cần tăng gấp đôi nỗ lực của Chính phủ cải cách cơ cấu để đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu; tạo ra cơ hội trong ngắn hạn để thu hút đầu tư.