Vai trò của Hải quan trong đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trên thế giới và Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Thương mại bất hợp pháp đang gia tăng báo động trên phạm vi toàn cầu do sự bùng nổ công nghệ thông tin cũng như làn sóng tự do hóa thương mại và đầu tư, là mối đe dọa đối với an ninh chuỗi cung ứng quốc tế. Với vai trò “người gác cửa nền kinh tế”, lực lượng hải quan thế giới cũng như Việt Nam đã, đang nỗ lực đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường tạo thuận lợi thương mại. Bài viết tổng hợp những vấn đề cơ bản về thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế, phân tích vai trò trụ cột của lực lượng hải quan trong công tác đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trên thế giới và Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vai trò đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng của lực lượng hải quan

Theo quy định của các quốc gia trên thế giới, tất cả hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan là công việc không thể thiếu trong chuỗi cung ứng quốc tế với việc di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia. Xét về vị trí, chức năng trong chuỗi cung ứng quốc tế, cơ quan hải quan quốc gia là chủ thể quan trọng với vai trò đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.

Hàng loạt các phương pháp quản lý hải quan hiện đại nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng đã được hải quan các nước trên thế giới áp dụng như quản lý rủi ro, hợp tác và chia sẻ thông tin hải quan; ứng dụng công nghệ Blokchain. Tổ chức hải quan thế giới là một tổ chức quốc tế nhằm kết nối hải quan các nước trên thế giới đã có hàng loạt các Công ước, sáng kiến, chuẩn mực và khuyến nghị thực hành nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu như: Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hoà hóa thủ tục hải quan; Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi hóa thương mại quốc tế (SAFE); Sáng kiến về thông tin liên hoàn trong chuỗi cung ứng quốc tế của Tổ chức hải quan thế giới (ISCM).

Để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và ngăn chặn giao dịch thương mại bất hợp pháp, Tổ chức Hải quan thế giới đã tích cực hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như: Ủy ban chống tội phạm của Liên hiệp quốc - UNODC; Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc - UNEP; Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO; Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD); INTERPOL. Ở phạm vi quốc gia, sau sự kiện ngày 9/11/2001, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới của Hoa Kỳ (CBP) quy định nhà nhập khẩu phải gửi Hồ sơ nhập khẩu (ISF) trong vòng 24 giờ kể từ khi bốc hàng lên tàu tại nước xuất khẩu để vận chuyển đến Hoa Kỳ. Tương tự, để đảm tính an toàn và an ninh các phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU), hệ thống quản lý nhập khẩu của EU quy định cung cấp thông tin trước khi dỡ hàng; Đối với những lô hàng vận tải đường biển dài và phức tạp, người chuyên chở phải khai báo thông tin 24 giờ trước khi hàng hóa xếp lên tàu tại cảng xuất khẩu.

Các giao dịch thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế

Theo Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế được hiểu là hành vi mua bán và vận chuyển trái pháp luật của các chủ thể trong chuỗi nhằm thu khoản lợi, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh kinh tế, năng lực thực thi pháp luật cũng như gây hậu quả kinh tế xã hội. Theo Hintsa (2014), giao dịch thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế phổ biến và điển hình là mua bán và vận chuyển chất gây nghiện và thuốc phiện; hàng giả, hàng nhái; chất gây hại đến môi trường và suy giảm tầng ô zôn; khảo cổ; vũ khí; và động thực vật quý hiếm.

Vai trò của Hải quan trong đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trên thế giới và Việt Nam - Ảnh 1

Chủ thể của giao dịch thương mại bất hợp pháp được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện các giao dịch quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu với mạng lưới hoạt động ở khắp các khu vực, quốc gia; Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp với vị trí là chủ thể trong chuỗi cung ứng quốc tế thực hiện hành vi gian lận thương mại nhằm lợi dụng cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước để trục lợi.

Ngày nay các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thống trị giao dịch thương mại bất hợp pháp do sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội kết nối toàn cầu cũng như khối lượng hàng hóa khổng lồ di chuyển trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên 50% lượng thuốc chữa bệnh và dược phẩm trao đổi toàn cầu là hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, được mua bán thông qua mạng internet và các chủ thể không có trụ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại nhằm trốn toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vẫn phổ biến tại các quốc gia có hàng rào thuế quan cao cũng như chính sách bảo hộ thị trường trong nước.

Phương thức vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế rất đa dạng với tần suất lớn là thách thức đối với công tác thực thi pháp luật của cơ quan hải quan cũng như xã hội và cộng đồng. Vận tải đường biển với ưu điểm về khối lượng vận chuyển lớn, cước phí thấp và dễ dàng che dấu, nguỵ trang là sự lựa chọn hàng đầu đối với các giao dịch hàng hóa là động vật quý hiếm, hóa chất độc hại và con người. Đây là phương thức được sử dụng trong giao dịch buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện và ma tuý, thuốc phiện với số lượng vụ việc bị phát hiện và bắt giữ trên 50% tổng số vi phạm trên thế giới.

Thương mại bất hợp pháp đe doạ sự an toàn và an ninh toàn bộ chuỗi cung ứng đặc biệt ở 2 đầu là địa điểm sản xuất, cung ứng (điểm đi) và thị trường tiêu thụ (điểm đích), gây nên hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng như sau:

- Tổn thất về nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt nguồn thu hải quan đối với hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.

- Gia tăng chi phí công để thực hiện an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân.

- Tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng, bóp méo quy luật vận động của thị trường cũng như suy giảm hiệu lực của thể chế pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật.

- Ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên.

- Đe dọa sức khỏe người dân về tinh thần và thể chất.

- Thất thoát tài sản quốc gia là tài nguyên quý hiếm và di sản ở dạng vật thể, phi vật thể.

Công tác đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng quốc tế của Hải quan Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, các giao dịch thương mại bất hợp pháp điển hình tại Việt Nam xếp theo thứ tự về số vụ việc bị phát hiện, xử lý cũng như hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng là: Chất gây nghiện, ma tuý và thuốc phiện; động vật hoang dã; hàng giả và hàng nhái; gỗ nguyên liệu; rác thải và gian lận thuế gián thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hang hóa. Việt Nam được biết đến là điểm trung chuyển lớn về động vật hoang dã giữa Trung Quốc và thị trường thế giới. Ngoài ra, chính sách mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu là cơ hội thực hiện gian lận thương mại nhằm lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế và hải quan đối với hoạt động sản xuất xuất khẩu, gia công quốc tế cũng như các khu vực hải quan đặc biệt.

Với vị trí địa lý thuận lợi với nhiều điểm giao thương với bên ngoài, các phương thức vận chuyển trong giao dịch bất hợp pháp tại Việt Nam có đặc điểm chính là:

Thứ nhất, vận chuyển bằng đường bộ là phương thức phổ biến nhất để thực hiện giao dịch giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng đặc biệt là Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Đây là phương thức chủ yếu để vận chuyển chất gây nghiện, ma tuý và thuốc phiện từ khu vực “tam giác vàng” tới Việt Nam và ngược lại, trong đó một khối lượng lớn được vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Thứ hai, đường hàng không và đường bưu điện, chuyển phát nhanh đang trở thành phương thức vận chuyển đối với những giao dịch có giá trị cao nhưng kích cỡ nhỏ gọn.

Thứ ba, vận chuyển đường biển chủ yếu được sử dụng đối với hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh, kết hợp với việc che giấu tinh vi như gỗ nguyên liệu, động vật hoang dã và vũ khí. Đây cũng là phương thức vận chuyển cho toàn bộ giao dịch mua bán trái phép rác thải và phế liệu độc hại tại Việt Nam thời gian qua.

Cuối cùng, vận chuyển trái phép qua các tuyến đường không chính thống như đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới, vùng núi hiểm trở giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc ở phía Bắc, Việt Nam và Campuchia ở phía Nam là thách thức lớn nhất đối với cơ quan hải quan và lực lượng bảo vệ vùng biên giới trong công tác chống gian lận thương mại và buôn lậu tại Việt Nam.

Một số nguyên nhân cơ bản của thực trạng gia tăng giao dịch thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế tại Việt Nam đó là: (1) Việt Nam đã, đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Bên cạnh sự gia tăng mạnh mẽ về khối lượng và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu trên thị trường thế giới thì giao dịch thương mại bất hợp pháp cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi với sự tham gia của nhiều chủ thể trong chuỗi cung ứng quốc tế, thậm chí gồm cả các công chức làm nhiệm vụ thực thi pháp luật; (2) Là nền kinh tế chuyển đổi với dân số trẻ, Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng lớn và điểm đích của các giao dịch thương mại bất hợp pháp; (3) Sự phát triển thiếu bền vững, thiếu nền tảng khoa học cơ bản với công nghệ nguồn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, xung đột văn hóa, khoảng cách giàu nghèo lớn là những yếu tố, động cơ của việc vi phạm pháp luật vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận; (4) Sự bùng nổ công nghệ thông tin vượt quá khung khổ quản lý của các cơ quan chức năng là điều kiện xúc tác thương mại điện tử và thanh toán bất hợp pháp trong các giao dịch mua bán và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Hải quan Việt Nam đã có nhiều thành công trong công tác ngăn chặn giao dịch thương mại bất hợp pháp, khẳng định vị trí của Việt Nam trong mạng lưới chống tội phạm toàn cầu. Đáng kể năm 2018, ngành Hải quan đã phát hiện và ngăn chặn được 16.633 vụ việc với trị giá lên đến 1.702.417 triệu đồng, tăng xấp xỉ 7% và 84% tương ứng so với năm 2017 (Tổng cục Hải quan Việt Nam, 2018). Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh cũng như nâng cao năng lực thực thi pháp luật, nhằm ngăn chặn và hạn chế giao dịch thương mại bất hợp pháp trong hoạt động chuỗi cung ứng quốc tế tại Việt Nam.

Thời gian tới, để cân bằng 2 nhiệm vụ cơ bản là đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, hải quan Việt Nam cần triển khai các sáng kiến và phương pháp nghiệp vụ như sau:

- Hợp tác và chia sẻ nhiệm vụ chống thương mại bất hợp pháp với lực lượng hải quan các nước cũng như cơ quan thực thi pháp luật trong toàn chuỗi cung ứng quốc tế.

- Tăng cường hợp tác và đối thoại giữa hải quan và doanh nghiệp.

- Kiện toàn và thống nhất nhiệm vụ chống gian lận thương mại và buôn lậu từ cấp Tổng cục đến các chi cục và đội nghiệp vụ.

- Nâng cao năng lực thực thi pháp luật và phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ công chức hải quan.

- Ứng dụng công nghệ block-chain và tiến bộ khoa học trong công tác kiểm tra và giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục hải quan Việt Nam, Báo cáo công tác chống gian lận thương mại và buôn lậu năm 2018, Hội nghị tổng kết năm 2018;

2. Tổ chức hải quan thế giới, thương mại bất hợp pháp, http://www.wcoomd.org/en/topics/enforcement-and-compliance/resources/publications.aspx;

3. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, Nhiệm vụ chống thương mại bất hợp pháp, http://www.oecd.org/gov/risk/oecdtaskforceoncounteringillicittrade.htm;

4. Hintsa J., Mohanty S., and Rudzitis N., Fossen C. and Heijmann F. (2014), “The Role and Value of Customs Administrations in Minimization of Socio- Economic Negative Impacts Related to Illicit Import Flows in Freight Logistics Systems- Three Preliminary Cases in Europe – FP7-CORE”, the 9th WCO PICARD Conference, September 17-19, 2014, Puebla, Mexico.