Việt Nam điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài


Tính từ đầu năm đến 20/3/2019, luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh cả về số lượng dự án lẫn quy mô vốn đầu tư.

Tính chung trong ba tháng đầu năm 2019,tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD. Nguồn: Internet
Tính chung trong ba tháng đầu năm 2019,tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD. Nguồn: Internet

Tính chung trong ba tháng đầu năm 2019 (tạm tính đến ngày 20/3/2019), tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi thế nổi bật của Việt Nam là cơ hội vươn ra thị trường toàn thế giới qua các cầu nối hiệp định thương mại tự do. Đây là điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và không ai muốn bỏ lỡ.

Theo thống kê của Bloomberg, Việt Nam xếp vị trí số 1 trong 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á về điểm đến của các doanh nghiệp chế biến-chế tạo, theo đánh giá của Natixis SA, được thực hiện dựa trên các yếu tố như cơ cấu dân số, tiền lương, giá điện, xếp hạng về môi trường kinh doanh, logistics và tỷ trọng của ngành chế biến-chế tạo trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại mỗi quốc gia.

Theo Bloomberg, có nhiều yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể đến chi phí sản xuất giá rẻ. Cùng với đó, sự tăng trưởng và ổn định là sức hút rất lớn đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Tạp chí Forbes cũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty đa quốc gia bởi có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế.

Trong thời gian này, đang có nhiều Tập đoàn  nước ngoài đặt kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Có thể kể đến dự án của Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf đang xin ý kiến UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư dự án Kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW gồm 4 nhà máy nhiệt điện tubin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy công suất 1.500 MW. Tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD theo hình thức BOT hoặc đầu tư khác;

Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; Dự án đầu tư, xây dựng, kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ Vsip Bắc Ninh II, tổng vốn đầu tư gần 104 triệu USD do Singapore đầu tư  với mục tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp...

Theo các chuyên gia kinh tế, sự ổn định trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới là điều thuyết phục dòng vốn đầu tư tìm đến với Việt Nam. Bên cạnh đó còn là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng tối đa cơ hội để giới thiệu, chia sẻ thông tin, gặp gỡ quốc tế nhằm xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Theo Forbes, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, đảm bảo chi phí lao động ở mức thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình ký kết một số thỏa thuận thương mại tự do quan trọng, trong đó có Hiệp định EVFTA và CPTPP. Thực tế, Việt Nam đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách giữ chi phí lao động ở mức thấp, đơn giản hóa các quy định đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thông thoáng...

Mới đây, trong ấn phẩm Sách Trắng lần thứ 11 vừa công bố, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng khẳng định, kể từ khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn.

Đến hết năm 2018, cả nước có 27.353 dự án FDI đang hoạt động của nhà đầu tư đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư cam kết 340 tỷ USD, trong đó hơn 191 tỷ USD đã giải ngân thực hiện. Các ngành nghề thu hút mạnh FDI là công nghiệp (69,4%) tổng vốn đầu tư đăng ký, dịch vụ là 29,6% và nông - lâm - ngư nghiệp là 1%.