Thay đổi thói quen mua hàng của người Việt

Nguyễn Lộc

(Tài chính) Sau 5 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo niềm tin vững chắc và nhận được sự ủng hộ lớn của toàn dân. Qua cuộc vận động, việc triển khai chương trình Bình ổn thị trường do liên ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính phối hợp triển khai ngày càng đi vào nề nếp, góp phần vào thành công trong kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Xét về tổng thể thì chương trình bình ổn giá hàng Việt mới được thực hiện hiệu quả ở một vài thành phố lớn. Nguồn: internet
Xét về tổng thể thì chương trình bình ổn giá hàng Việt mới được thực hiện hiệu quả ở một vài thành phố lớn. Nguồn: internet

Nhờ chương trình bình ổn thị trường, hàng hóa trong nước đã ít biến động về giá, ổn định lượng hàng, giúp cuộc sống người dân được ổn định, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh phát triển hơn. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì chương trình bình ổn giá hàng Việt mới được thực hiện hiệu quả ở một vài thành phố lớn và còn khá xa lạ với người nông thôn.

Thói quen ham rẻ

Hễ có nghe nói nơi vào có giảm giá nhiều, thanh lý hay bán hàng khuyến mại thì nơi đó bị người tiêu dùng vây kín, không cần quan tâm đến chất lượng, cứ đẹp bắt mắt là người dùng chọn. Tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, cứ hàng càng rẻ thì càng thu hút khách. Không chỉ mặt hàng gia dụng, thời trang mà cả những mặt hàng thực phẩm cũng nằm trong chuỗi tình trạng này.

Chị Phương, một công nhân sống tại khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai chia sẻ với PV: “mình ít có thói quen dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, lí do thì bạn thấy đấy, hàng chất lượng cao thường đi kèm với giá không hề rẻ, mà công nhân và người lao động như mình thì làm sao có đủ điều kiện dùng hàng chất lượng cao. Hơn nữa, chợ cóc mọc khắp nơi, tiện đâu mình mua đó thôi, đa phần là hàng Trung Quốc vì rẻ, đẹp mà tiện dụng”. Hỏi thêm về hàng bình ổn giá thì chị này cho hay, sống ở đây (thành phố) chị không biết đến chỗ nào bán hàng bình ổn giá, họ bán những gì, cũng chưa từng đi mua.

Không riêng gì công nhân mà đa số người tiêu dùng hiện không quen với việc đến điểm bán hàng bình ổn giá để mua. Chị Hoa, một người sống ở TP. Biên Hòa cho biết: Tôi có nghe nói về các cửa hàng bình ổn giá, nhưng tôi thường chỉ vào đó mua đồ dùng học tập, sữa và các mặt hàng ít thay đổi giá, còn thực phẩm rau củ thì mua ở chợ đây cho tiện, ngoài chợ sáng có thể mua giá 10.000/1kg rau, ngày mai giá xuống 7.000 thậm chí 5.000, trong khi mua hàng bình ổn giá thì giá thành được áp dụng cho một thời gian dài nên nhiều khi hàng bình ổn giá còn mắc hơn ngoài chợ mà bạn còn phải đi xa hơn.

Tại các khu công nghiệp, số lượng công nhân đông nhưng mỗi năm cũng chỉ có 1 đến 2 đợt chiến dịch quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Hơn nữa, tại các khu công nhân tập trung đông lại không có nhiều điểm bán hàng bình ổn giá, muốn mua họ phải đi lại khá xa, chính vì vậy mà chương trình chưa thực sự đến được với nhiều người có nhu cầu.

Với mỗi điểm bán hàng bình ổn giá, người tiêu dùng sẽ mua được các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ hơn thị trường từ 10 - 15%. Hơn nữa, những mặt hàng này đều do doanh nghiệp trong nước sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ có lượng hàng hóa lớn được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh.

Hàng bình ổn vẫn chưa phát huy được thế mạnh

Chính sách phát triển hàng bình ổn giá được đưa ra từ rất lâu, mỗi chiến dịch từ trung ương đến các tỉnh đã trích ra những khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận được.

Nguyên nhân hàng bình ổn giá chưa phát huy được thế mạnh, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi là do:

Một là,
các mặt hàng bình ổn giá hạn chế, thiếu hụt sự đa dạng phong phú. Nếu vào cửa hàng bình ổn giá mua thứ này lại phải đến chỗ khác mua thứ khác;

Hai là
, các mặt Việt Nam trong danh mục hàng bình ổn giá không đa dạng về mẫu mà, kiểu dáng;

Ba là,
một số hàng bình ổn giá có giá cao hơn giá thị trường, ví dụ mặt hàng sách giáo khoa và dụng cụ học tập tại các điểm bán hàng bình ổn giá ở Đồng Nai là giảm 10 – 15% nhưng tại các điểm bán lẻ, nhà sách có thời điểm giảm lên đến 30 – 50% để thu hút khách hàng;

Bốn là, các chương trình quảng bá, các đợt bán hàng bình ổn giá tại các vùng nông thôn, các khu công nghiệp chưa thật sự nhiều. Thiết nghĩ, những chiến dịch như thế này mới là cơ hội để doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ về nhu cầu của nhau hơn.

Để hàng bình ổn giá đến được tay người tiêu dùng

Để hàng bình ổn giá đến được tay người tiêu dùng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, lực lượng quản lý thị trường và chính quyền các địa phương là hết sức cần thiết. Các lực lượng quản lý thị trường cần kiểm soát việc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực hiện niêm yết công khai giá bán.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất làm sao tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đa dạng các mặt hàng để tiếp cận người tiêu dùng, tận dụng chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá để thực hiện nhiều hơn nữa các đợt đưa hàng Việt Nam chất lương cao đến với người tiêu dùng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan đơn vị thông tin truyền thông cần tuyên truyền để người tiêu dùng biết đến hàng bình ổn giá, dùng hàng Việt Nam chất lượng cao thay vì những sản phẩm độc hạ rẻ tiền không rõ nguồn gốc, xuất xứ đó là cách đơn giản nhất thể hiện lòng yêu nước, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững.