Nhà ở xã hội và những lá phiếu "may rủi"


Trực chờ từ ngày này qua ngày khác, thức xuyên đêm nộp hồ sơ hay "tỷ lệ chọi" quá cao khiến giấc mơ an cư của nhiều người lao động vẫn phải gác lại.

1.300 người tập trung bốc thăm mua 149 căn nhà ở xã hội tại Hà Nội
1.300 người tập trung bốc thăm mua 149 căn nhà ở xã hội tại Hà Nội

Ngày 20/5, chủ đầu tư Khu nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tiến hành bốc thăm căn hộ sau hơn 1 tháng nhận hồ sơ. Theo thông tin từ chủ đầu tư, công ty này đã nhận được 1.500 hồ sơ tham gia mua căn hộ. Trong buổi bốc thăm có hơn 1.300 người tham gia với số lượng căn hộ để bốc thăm là 149 căn hộ, và hơn 1.000 người đã phải tạm gác lại giấc mơ an cư.

Đến trưa ngày 21/5, dưới nắng nóng đổ lửa 39 - 40 độ, nhiều người dân lại tập trung tại Văn phòng đại diện CTCP Đầu tư Xây dựng NHS (phố Thành Thái, Cầu Giấy, Hà Nội) để làm thủ bốc thăm "đầy may rủi" quyền thuê và vị trí căn hộ thuê tại dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn.

Những lá thăm "may rủi"

Theo quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP, nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được quy định, trong trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm do chủ đầu tư tổ chức, có đại diện Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án được phê duyệt tham gia giám sát. 

Tuy nhiên, thực tế câu chuyện bốc thăm với mục đích mang đến công bằng khi lượng cầu quá lớn trong khi nguồn cung nhỏ giọt lại vô hình chung gieo hi vọng và gây thất vọng cho hàng nghìn người. 

Trao đổi với PV, chị Lan Anh (30 tuổi, Nam Định) - người vừa bốc vào phiếu trượt chia sẻ, sau khi tìm hiểu, chắc chắn mình là đối tượng được mua nhà, chị đã mất rất nhiều thời gian để hoàn thành hồ sơ đăng ký mua nhà. Thức xuyên đêm để xếp hàng tới lượt nộp hồ sơ, thế nhưng đã phải ra về "công cốc" bởi "không may mắn". 

Cùng nỗi niềm này, chị Thanh Thủy (quận Hoàng Mai) cũng chia sẻ, lúc nộp hồ sơ đăng ký mua nhà, bốc thăm căn hộ đến lúc nộp tiền là cả quãng thời gian hồi hộp, lo lắng. "Vợ chồng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị tiền và hồ sơ, nhưng cuối cùng vẫn thua ở chỗ may rủi. Không biết bao giờ mới có thể mua được nhà ở xã hội, nếu tiếp tục ở những dự án khác cũng phải bốc thăm" - chị Thủy chia sẻ.

Trong khi đó, trước phiên bốc thăm chọn suất mua nhà, nhiều website môi giới bất động sản đã rầm rộ rao bán căn hộ dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn với giá chênh lệch rất lớn, giá dao động 20 - 38 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí căn hộ, gần gấp đôi giá bán được Sở Xây dựng TP Hà Nội công bố. Một số diễn đàn cũng xuất hiện các thông tin bán chênh 600 triệu đồng/căn hộ sau khi buổi bốc thăm diễn ra.

Sớm phá băng nguồn cung cho nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia, câu chuyện "bốc thăm", "bán chênh", giành suất mua nhà ở xã hội là hậu quả từ việc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội trong các năm qua. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. 

Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia bất động sản cho rằng để đẩy mạnh nguồn cung cho phân khúc này, giải pháp dài hạn, căn cơ là phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở để đề ra những chính sách thực chất nhằm phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất, bố trí vốn, các cơ chế ưu đãi và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực. Trong một năm rưỡi sắp tới, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội, gồm sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).

Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), một số quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thật phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, khoản 3, điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.

Theo HoREA, số tiền này không lớn, ngay cả TP. Hồ Chí Minh năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỉ đồng, trích 10% thì cũng chỉ được 756 tỉ đồng. Hoặc nếu bỏ quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ thì sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội. Điều này khiến “giấc mơ” của người dân có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội càng khó thực hiện.

Do đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội.

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, dự thảo quy định Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định để cho thuê, cho thuê mua, bán hoặc mua nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án để làm nhà ở xã hội cho thuê. HoREA đề nghị bổ sung quy định trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Theo Diệu Hoa/Diendandoanhnghiep.vn