Nhiều thành tựu từ bình đẳng giới ở Việt Nam

Theo Thanh Thủy (thực hiện)/baochinhphu.vn

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực hiện bình đẳng giới. Báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chủ trì cũng khẳng định các nỗ lực và thành tích của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bà Irene Ohler - Chủ tịch Ban Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Committee) của AmCham Việt Nam.
Bà Irene Ohler - Chủ tịch Ban Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Committee) của AmCham Việt Nam.

Chia sẻ những đánh giá của mình về vấn đề thực hiện bình đẳng giới (BĐG) tại Việt Nam, bà Irene Ohler, Chủ tịch Ban Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Committee) của AmCham Việt Nam và nhà sáng lập của tổ chức Lightpath Leadership (là công ty tư vấn phát triển năng lực lãnh đạo) cho rằng có nhiều tin vui khi nói về kết quả của hoạt động thúc đẩy BĐG tại Việt Nam.

Phóng viên của Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Irene Ohler xoay quanh vấn đề này.

Xin bà chia sẻ ý kiến của mình về vai trò của BĐG trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN)?

Bà Irene Ohler: Tại một hội thảo tổ chức tại Hà Nội năm 2020 vừa qua, Phó Chủ tịch VCCI  Hoàng Quang Phòng đã khẳng định rằng BĐG vẫn là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Ông nói: “Mặc dù phụ nữ đóng góp rất nhiều cho xã hội và nền kinh tế, nhưng họ vẫn chưa được đánh giá cao trên thị trường lao động và chưa được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế như nam giới”.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 69% công ty được khảo sát trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương đồng ý rằng các sáng kiến đa dạng về giới sẽ có tác động tích cực tới quá trình cải thiện kết quả kinh doanh. Trên phạm vi quốc tế, theo khảo sát có tới 74% các công ty lợi nhuận tăng từ 5-20% nếu đa dạng giới trong ban lãnh đạo.

Riêng cá nhân tôi cũng quan niệm rằng, cho dù là một quốc gia hay một tổ chức, cả hai đều không thể thịnh vượng hoàn toàn, phát triển bền vững hoàn toàn nếu vẫn còn những quan niệm, quy chế giữ chân một nửa số người của mình. 

Một báo cáo năm 2016 của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội có trụ sở tại Hà Nội đã chỉ ra, trên thế giới, nhất là nhưng nước phát triển, các khía cạnh của nhận thức lâu đời, truyền thống về vị trí của người phụ nữ đã suy yếu theo thời gian thay vào đó là những quan điểm mới, hiện đại đề cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội và gia đình.

Trong khi đó, với nhận thức giới cứng nhắc truyền thống đối với các giá trị từ vai trò của nam giới và phụ nữ vẫn được duy trì vững chắc trong suy nghĩ và hành vi của nam giới và phụ nữ ở các nước chưa phát triển nói chung còn tồn tại ở nhiều tầng lớp xã hội, đây được coi là nguyên nhân cơ bản gây ra bất BĐG.

Đặc biệt, tôi cho rằng, nếu bản thân phụ nữ không tự thoát ra khỏi những giá trị, quan niệm cũ đó thì trong nhiều trường hợp chính họ đã sẵn sàng làm tổn hại đến hạnh phúc, sự thăng tiến của mình. Và như vậy, trong sự phát triển chung của nền kinh tế-xã hội, tất nhiên nếu tồn tại tư duy này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của các công ty nói riêng và cả xã hội nói chung.

Quay lại câu hỏi mà nhiều nhà kinh tế, nhiều DN đặt ra là điều gì tạo nên một DN thành công và bền vững? Ngày nay, để đánh giá sự phát triển bền vững của một tập đoàn, một tổ chức kinh tế, bên cạnh nhưng yếu tố thuần túy về kinh tế thì việc DN đó quan tâm đến những yếu tố xã hội như môi trường, chính sách an sinh xã hội và coi trọng yếu tố con người sẽ có ý nghĩa lớn trong quá trình phát triển bền vững.

DN đó cần tiếp cận toàn bộ nhóm nhân tài thông qua đầu vào của các nhóm đa dạng (gồm có nam, nữ, đa dạng về văn hóa, độ tuổi…); có chính sách thu hút và giữ chân những tài năng tốt nhất. Đồng thời, DN đó cần tạo ra quyền tiếp cận bình đẳng đối với các cơ hội và kết quả cho phụ nữ, nam giới và những người đa dạng về giới.

Tóm lại, theo tôi, một DN bền vững là DN mà mọi người muốn làm việc, muốn đầu tư vào. Và BĐG tại nơi làm việc là một trong những chính sách quan trọng để đạt được những mục tiêu này. Bởi vì BĐG tại nơi làm việc sẽ thu hút những tài năng tốt nhất, nâng cao danh tiếng, vị thế thương hiệu của công ty và góp phần cải thiện năng suất và lợi nhuận.

Bà có thể nhận xét quá trình triển khai BĐG tại Việt Nam trong thời gian qua và tác động tích cực của nó đối với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội? 

Bà Irene Ohler: Về mặt vĩ mô, theo tôi trong thời gian qua, các chương trình chính sách về BĐG của Chính phủ Viêt Nam đã được xây dựng rất toàn diện và kịp thời. Và khi nói về BĐG tại Việt Nam tôi cho rằng có nhiều tin vui và thành tựu.

Đó là phụ nữ ở Việt Nam hiện đã vượt qua nam giới về trình độ học vấn với 54% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học và đang mở rộng kỹ năng của họ trong các lĩnh vực STEM. Họ ngày càng được đào tạo bài bản, tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, có nguyện vọng và tham vọng như các đồng nghiệp nam của họ để được vào quản lý cấp cao.

Theo báo cáo năm 2020 của ILO, phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt cho vai trò ra quyết định trong các DN và các công ty vẫn đang tiếp tục tiếp cận với số lượng phụ nữ ở các vị trí cao nhất để thu được lợi ích.

Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030 cũng kêu gọi giảm khoảng cách giới trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của công dân.

Nhiều DN thành viên AmCham đa quốc gia đã bắt đầu thực hiện các chính sách và thông lệ về BĐG trong các hoạt động tại Việt Nam và các DN này cũng đã có thể đo lường thành công của họ đó là các DN nào ưu tiên BĐG tại nơi làm việc sẽ có hoạt động tốt hơn về mặt tài chính.

Theo bà, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy BĐG ở Việt Nam hơn nữa?

Bà Irene Ohler: Theo tôi thứ nhất, cần bắt đầu đo lường tiến độ thực hiện BĐG và thúc đẩy vai trò phụ nữ trong trong các tổ chức chính phủ cũng như trong các DN để có thể phân tích kịp thời và cụ thể các kết quả, tình hình từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời và phù hợp.

Tại Việt Nam, 79% phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi tham gia trong lực lượng lao động và con số này thực sự cao so với các quốc gia khác và chúng tôi rất ấn tượng với sự góp mặt của phụ nữ Việt Nam trong quá trình tham gia vào sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, theo tôi, để thúc đẩy vai trò của phụ nữ thì những con số này chưa phản ánh và đánh giá đầy đủ về thúc đẩy BĐG trong xã hội, DN.

Chính vì vậy, các DN cần chú trọng tới phát triển nghề nghiệp và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực và ngành nghề cũng như tỉ lệ phụ nữ tại các vị trí quản lý, lãnh đạo trong DN đó.

Thứ hai, phải xây dựng nhận thức về tác động của định kiến giới cũng như vai trò của BĐG tới sự phát triển của doanh nghiệp cho các chủ DN. Xây dựng các chính sách và thông lệ thúc đẩy BĐG ở mọi cấp độ của DN nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và thúc đẩy BĐG một cách toàn diện.