Những giao dịch “đáng ngờ” liên quan tới rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

PV. (T/h)

Làm thế nào để nhận biết được những giao dịch “đáng ngờ” liên quan tới rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản?; Công ty C ký kết hợp đồng liên kết kinh doanh bất động sản với công ty K đang nằm trong danh sách đen do Bộ Công an lập xử lý thế nào?... là những câu hỏi Tạp chí Tài chính nhận được từ bạn đọc. Với sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia pháp luật hỗ trợ tư vấn, Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời cụ thể đối với từng trường hợp như sau:

Bạn đọc hỏi: Qua công ty môi giới bất động sản, Ông M có mua một ngôi nhà 3 tầng, 300 m2 của ông N với số tiền 300 tỷ đồng. Theo giá thị trường thì ngôi nhà này ước tính sẽ bán được 20 tỷ, khi làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng, nhân viên công chứng thay mặt ông N chuyển giao quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà có nghi ngờ và hỏi về giá cả thì ông N nói ông M không quan tâm, chỉ cần mua được. Xin hỏi, giao dịch này theo quy định của pháp luật có đáng ngờ không? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Trả lời: Theo tình huống trên, giá cả ngôi nhà là bất hợp lý so với thực tế mà người mua không quan tâm, có thể giao dịch này là nhằm rửa tiền. Do vậy, đối tượng báo cáo (công ty môi giới, công chứng viên được thay mặt ông N chuyển nhượng) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nếu phát hiện một trong các dấu hiệu đáng ngờ sau theo quy định tại Khoản 7 Điều 22 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012: Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; Khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả; Khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; Giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá thị trường thì có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để góp phần ngăn chặn việc rửa tiền.

Như vậy căn cứ vào quy định trên, giao dịch này là đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giữa ông N và ông M, đối tượng báo cáo phải kịp thời báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản theo quy định tại Điều 6 Thông tư 35/2013/TT-NHNN. Cục Phòng, chống rửa tiền có trách nhiệm xác nhận việc đã nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ và phản hồi cho đối tượng báo cáo những vấn đề phát sinh nếu cần thiết.

Bạn đọc hỏi: Công ty M ký hợp đồng liên kết kinh doanh bất động sản với công ty K. Tuy nhiên, ngay sau khi ký kết hợp đồng xong với công ty K, công ty M đã phát hiện công ty K đang nằm trong danh sách đen do Bộ Công an lập vì có căn cứ cho rằng công ty này có tài trợ cho khủng bố. Vì vậy, công ty M đã làm báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin trì hoãn giao giao dịch giữa công ty M với công ty K. Ngay sau khi nhận được văn bản của công ty M, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra quyết định trì hoãn giao dịch giữa công ty M với công ty K trong thời hạn 3 ngày. Do thời điểm ban hành quyết định trì hoãn giao dịch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào thứ 5, nên tôi không biết thời gian 3 ngày được tính như thế nào? Và quá thời hạn 3 ngày mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có phản hồi, thì hai công ty có được tiếp tục thực hiện giao dịch không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền”, thì thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu áp dụng. Nếu sau 3 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch mà đối tượng báo cáo không nhận được văn bản phản hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có quyền thực hiện giao dịch.

Như vậy, theo quy định trên thời gian được tính để áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch là thời gian 3 ngày làm việc, và sau 3 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch mà công ty M không nhận được văn bản phản hồi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì có quyền thực hiện giao dịch với công ty K.