Nút thắt tín dụng đang dần được tháo gỡ

Tuấn Thủy

Chính phủ cùng các bộ ngành đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tháo gỡ từng điểm nghẽn và “dọn đường” cho tín dụng chạy, để dòng vốn “ngấm” vào nền kinh tế hơn.

Thực trạng nút thắt tín dụng

Trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các nước ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao, dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nguồn lực cạn kiệt, thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm sút... đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 100.000, tăng 19,7%.

Theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), ngoài vấn đề khó khăn về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu thì có tới 25% hội viên của Vinasme cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thì lại không hấp thụ hết nguồn vốn vay do mặt bằng lãi suất còn ở mức cao, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nên có vay tiền về cũng không làm gì.

Do vậy, tín dụng và khả năng hấp thụ tín dụng vẫn đang là một nút thắt cổ chai quan trọng cần được giải quyết để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kinh tế.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt khoảng 4,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 là hơn 8,7% và cách rất xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% cả năm 2023.

Tốc độ tín dụng có sự cải thiện

Nhìn tổng quát, tín dụng vẫn đang tăng trưởng chậm, nhưng nếu xét đến từng khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, tín dụng đang có mức độ tăng ngày một nhanh hơn. Cung tiền M2 (tổng phương tiện thanh toán của toàn nền kinh tế) 6 tháng đầu năm 2023 là 2,53%, trong khi quý I/2023 là 0,57%, có nghĩa cung tiền M2 đã tăng nhanh hơn trong quý I/.2023.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý II cũng đã tăng gấp đôi so với quý I (6 tháng đầu 2023 là 4.73%, trong khi 3 tháng đầu năm là 1.61%) Cụ thể hơn, trong 10 ngày (từ 20/6 đến 30/6), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng từ 3,58% lên 4,73%, tăng hơn 1 điểm phần trăm, gần bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả 3 tháng đầu năm.

Thực tế, trước đây NHNN đã có nhiều chính sách điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế như liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay.

Song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác, ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Như vậy, việc tăng thêm hạn mức tín dụng cho các TCTD sẽ tạo điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

Điểm đáng chú ý là, trong các năm gần đây, NHNN thường chia thành nhiều đợt nới "room" tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm, thường phải đến cuối năm mới chạm mốc mục tiêu. Hiếm khi cơ quan này phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ giữa năm. Chứng tỏ, hiện tại vẫn đang có một sức ép rất lớn cho việc phải đẩy tín dụng ra nền kinh tế.

Để tháo gỡ nút thắt về tín dụng nhanh hơn nữa, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội; Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề xuất NHNN kéo dài thời gian áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34% tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN đến 30/09/2025 thay vì đến hạn 30/09/2023.

Về phía doanh nghiệp, ông Hùng kêu gọi sự chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn; Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế cho vay; Tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các DN trong và ngoài nước.

“Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, bán hàng, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; Tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động”, Chủ tịch VNBA chia sẻ.