Phát huy vai trò dự trữ quốc gia trong phòng, chống đại dịch Covid-19

TS. Nguyễn Văn Bình

Dự trữ quốc gia là nguồn lực vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ quốc phòng, an ninh. Với vai trò quan trọng đó, trong thời gian qua, ngành Dự trữ Nhà nước đã tham mưu triển khai nhiều giải pháp từ hoàn thiện pháp luật đến điều hành sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về bổ sung nhóm hàng vật thiết bị y tế dự trữ quốc gia. Nguồn: quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về bổ sung nhóm hàng vật thiết bị y tế dự trữ quốc gia. Nguồn: quochoi.vn

Hoàn thiện pháp luật dự trữ quốc gia về vật tư, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh

Theo Danh mục hàng dự trữ quốc gia lĩnh vực y tế quy định tại Luật Dự trữ quốc gia và Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Dự trữ quốc gia thì chỉ có 2 nhóm hàng gồm: Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người và hóa chất khử khuẩn, khử trùng xử ký nguồn nước (chưa có vật tư, thiết bị y tế).

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Dự trữ quốc gia (quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung Danh mục dự trữ quốc gia) và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết để tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ. Ngày 16/3/2021, Bộ Tài chính có Tờ trình số 30/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Ngày 31/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia. Theo Nghị định số 56/2021/NĐ-CP, nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế bao gồm 12 mặt hàng cụ thể, gồm: Máy X-quang; máy thở; máy phá rung tim; máy theo dõi bệnh nhân; máy siêu âm; máy hút dịch; máy phun hóa chất; máy phát hiện nhanh các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ; mơm tiêm điện; bộ dụng cụ phẫu thuật; vật tư phòng hộ cá nhân và túi đựng tử thi. Cũng tại Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Y tế quản lý các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia; đồng thời giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Như vậy, khung khổ pháp luật dự trữ quốc gia về y tế đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia hằng năm và tổ chức mua sắm đưa vào dự trữ nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Đồng thời, có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc, cứu chữa người bệnh trong các tình huống đột xuất, cấp bách về y tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh việc bổ sung quy định đối với các mặt hàng nêu trên, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về danh mục hàng dự trữ quốc gia do Bộ Y tế quản lý theo hướng bổ sung thêm mặt hàng “Nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước và bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật dự trữ quốc gia và pháp luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và pháp luật dược. Bởi Khoản 1, Điều 61, Luật Phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm quy định: Nhà nước thực hiện việc dự trữ quốc gia về thuốc, hóa chất, thiết bị y tế phòng chống dịch. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 3, Luật Dược quy định: Nhà nước thực hiện dự trữ quốc gia đối với thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc để sử dụng trong cho mục đích phòng, chống dịch bệnh; khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh hiếm gặp… Đây cũng đồng thời là mục tiêu của dự trữ quốc gia quy định tại Điều 3 Luật Dự trữ quốc gia.

Tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia, góp phần tích cực phòng, chống đại dịch Covid-19

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, công tác tổ chức thực hiện cũng như tham mưu quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch là rất quan trọng. Theo đó, trong thời gian tới, cần tổ chức thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, khẩn trương tổ chức triển khai Nghị định số 56/2021/NĐ-CP ngày 31/5/2021 của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 9/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Bộ Y tế với vai trò là Cơ quan được giao trực tiếp quản lý cần khẩn trương chủ trì đề xuất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia hằng năm và bố trí tăng ngân sách để tổ chức mua sắm. Trường hợp cần thiết, có thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2021 về vật tư, thiết bị y tế.

Việc ưu tiên mua mặt hàng nào trước và số lượng từng mặt hàng trong kế hoạch dự trữ quốc gia phụ thuộc vào yêu cầu thực tiễn, dự báo tình hình và khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Việc bảo quản các mặt hàng vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia bảo đảm không làm phát sinh thêm về tổ chức, biên chế của Bộ Y tế. Bộ Y tế có thể lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện để ký hợp đồng thuê bảo quản theo quy định tại Thông tư số 172/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Chi phí thuê bảo quản là chi thường xuyên thuộc dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Y tế.

Thứ hai, tăng thêm dự trữ quốc gia về thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người (kể cả vắc xin) và hóa chất khử khuẩn, khử trùng để chủ động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Hiện nay, nguồn lực dự trữ quốc gia do Bộ Y tế đang quản lý còn mỏng. Được biết, ngành Y tế đang dự trữ quốc gia đối với hai mặt hàng là hóa chất khử khuẩn Chloramin B và viên khử khuẩn Aquatabs. Do những nguyên nhân khác nhau, hiện ngành Y tế chưa đưa vào dự trữ quốc gia được mặt hàng thuốc và vật tư, thiết bị y tế. Trước nhu cầu về thuốc chữa bệnh, vắc xin và vật tư, thiết bị y tế để phòng, chống dịch bệnh ngày càng tăng, trong thời gian tới, bên cạnh triển khai dự trữ quốc gia vật tư, thiết bị y tế theo Nghị định số 56/2021/NĐ-CP, cần nghiên cứu bổ sung kế hoạch mua tăng các mặt hàng thuốc chữa bệnh và hóa chất khử khuẩn, khử trùng để thêm nguồn lực dự trữ quốc gia.

Thứ ba, chủ động, kịp thời tham mưu xuất cấp hóa chất khử khuẩn và vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch. Trước mắt, các địa phương, bộ ngành kịp thời đề xuất nhu cầu về hóa chất khử khuẩn Chloramin B để phòng phòng, chống dịch Covid-19 đang bùng phát. Bộ Y tế cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, tham mưu kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp cho các địa phương và các bộ, ngành. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 xuất cấp không thu tiền 15 tấn Chloramin B từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bắc Giang (5 tấn), tỉnh Bắc Ninh (3 tấn) và Bộ Y tế (7 tấn) để các lực lượng chức năng tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ tư, nghiên cứu bổ sung chế độ hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tập trung dài ngày và người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung. Hiện nay, chính sách, chế độ đặc thù hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 và người phải cách ly y tế tập trung được thực hiện theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo các Nghị quyết này, Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí trợ cấp cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế; cho người đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị; cho cán bộ y tế, người lao động và cộng tác viên, tình nguyện viên tham tham gia chống dịch. Ngoài hỗ trợ kinh phí, Nhà nước cũng hỗ trợ bằng hiện vật gồm nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu,… để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly tập trung.

Tuy nhiên, ngoài chế độ nêu trên, Nhà nước có thể xem xét bổ sung chế độ hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để nâng cao chất lượng suất ăn cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 dài ngày tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung và người dân phải cách ly y tế tập trung dài ngày tại cơ sở cách ly, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo và công nhân bị suy giảm thu nhập khi phải nghỉ việc đi cách ly tập trung.

Để triển khai nhiệm vụ này, các địa phương cần rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống dịch và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng gạo dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Việc hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho các đối tượng này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu sử dụng hàng dự trữ quốc gia quy định tại Điều 3 Luật Dự trữ quốc gia: “Sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh”. Qua đó, có thể phát huy tối đa vai trò và sử dụng có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia, góp phần tích cực vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, nâng cao hiệu quả dụng nguồn lực dự trữ quốc gia. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 9/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; Nghị định số 56/2021/NĐ-CP ngày 31/5/2021 của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 9/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...