Phiên sáng 18/11: Chịu sức ép lớn, VN-Index chia tay mốc 1.010 điểm

Theo T.Thúy/tinnhanhchungkhoan.vn

Thông tin vận hành bộ chỉ số mới chỉ giúp thị trường le lói sắc xanh trong thời gian ngắn và nhanh chóng bị "dập tắt" trước sức ép lớn đến từ VNM, VIC và nhóm ngân hàng. Chỉ số VN-Index thủng mốc 1.010 điểm cùng thanh khoản nhỏ giọt.

Chịu sức ép lớn, VN-Index chia tay mốc 1.010 điểm.
Chịu sức ép lớn, VN-Index chia tay mốc 1.010 điểm.

Sau 3 tuần tăng liên tiếp, thị trường đã quay đầu điều chỉnh trước lực cản khá lớn đến từ trụ cột VNM cùng diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt, với nhịp hồi phục của các bluechips đã giảm sâu bất ngờ như MWG, FPT, SAB… sẽ giúp thị trường nhanh chóng trở lại hồi phục trong ngắn hạn.

Điểm nhấn của thị trường trong tuần mới, đặc biệt là phiên đầu tuần 18/11 là việc bộ chỉ số mới (Diamond, VNFIN SELECT và VNFIN LEAD) chính thức đưa vào vận hành. Giới phân tích đánh giá đây sẽ là thông tin tác động tích cực tới nhóm VN30 nói riêng và tới thị trường nói chung.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho biết, đây là bộ chỉ số giúp cho nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu hết room ngoại. Qua đó, có thể hưởng lợi từ tăng giá cổ phiếu nhưng không sở hữu quyền cổ đông thực sự. Điều này giúp cho thị trường có dòng tiền mới tham gia, đặc biệt là các cổ phiếu hết room.

Bước vào phiên giao dịch 18/11, dù dòng tiền tham gia khá hạn chế nhưng thị trường khởi sắc trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp nhưng VN-Index chỉ lình xình nhích nhẹ do thiếu động lực khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp diễn trạng thái phân hóa trong biên độ hẹp.

Sau gần 1 giờ nỗ lực cầm cự, thị trường đã quay đầu về dưới mốc tham chiếu trước diễn biến thiếu tích cực của một số mã lớn và chỉ số VN-Index tiếp tục để thủng mốc 1.010 điểm. Trong đó, ông lớn VNM vẫn là nhân tố chính khi để mất gần 1,4% và tạm đứng tại mức giá 121.300 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch cũng phân hóa, trong khi FLC, SCR, AMD, ASM, DXG… nhích nhẹ, thì HAI, HAR, TSC, TNT… đang đứng dưới mốc tham chiếu.

Một trong những điểm đáng chú ý của thị trường trong thời gian gần đây là đà lao dốc không phanh của cổ phiếu TTB dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng tốt và không có thông tin tiêu cực nào.

Trong phiên sáng nay, TTB tiếp tục nằm sàn, xác lập phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp và lùi về mức giá 11.550 đồng/CP với thanh khoản nhỏ giọt đạt 6.550 đơn vị trong khi dư bán sàn tới gần 5,1 triệu đơn vị.