Quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thủy sản phục vụ xuất khẩu

Bảo Thương

Nhằm khẩn trương khắc phục các sai lỗi về hệ thống kiểm soát, tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã ra Chỉ thị số 6433/CT-BNN-CCPT về việc tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường
Các doanh nghiệp chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của nước ta ước đạt 33,21 tỷ đô la (USD), giảm 9,5%. Riêng giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân của sự suy giảm này bên cạnh yếu tố sức mua của thị trường, còn có việc các quốc gia nhập khẩu lớn áp dụng yêu cầu mới về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tăng cường việc thanh tra tại quốc gia xuất khẩu.

Trong 6 tháng năm 2023, Ủy ban châu Âu đã cử đoàn thanh tra điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam và đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về điều kiện vệ sinh của các cơ sở trong chuỗi sản xuất, chế biến, đặc biệt tại các cơ sở trong khâu sản xuất ban đầu (khai thác, nuôi trồng thuỷ sản); hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước chưa cao.

Để chủ động, khẩn trương khắc phục các sai lỗi về hệ thống kiểm soát, tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ, các doanh nghiệp tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoàn yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bản thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu nói chung và vào EU nói riêng.

Chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, trong đó có EU (thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm), định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu.

 

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tuyên truyền vận động các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU chủ động nâng cấp điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, thiết lập quy trình quản lý chất lượng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và EU; Thực hiện đăng ký cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU để được thẩm định, đánh giá bổ sung vào Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT quản lý chặt chẽ các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác, thu mua, sơ chế thủy sản.

Tổ chức xác minh, truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm khi đã xác định được cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; tổ chức, cá nhân mua bán thuốc thú y, hóa chất cấm sử dụng. Chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng ở địa phương để thu thập thông tin, điều tra, xác minh, triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh hóa chất, kháng sinh cấm trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký cơ quan thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tại Chỉ thị này, căn cứ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thủy sản, Cục Thú y), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã yêu cầu cụ thể, rõ ràng để các đơn vị cùng phối hợp làm tốt công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.