Quản lý ngoại hối: Lạt mềm buộc chặt

Theo thoibaonganhang.vn

Cơ quan quản lý đang rất tạo điều kiện cho hoạt động ngoại hối của các tổ chức tín dụng phát triển, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, quản lý được những rủi ro tiềm ẩn.

Hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại hối của TCTD phát triển hiệu quả.
Hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại hối của TCTD phát triển hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 28/2016/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối; điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một trong những điểm đáng lưu ý nhất tại Thông tư 28 là bổ sung khoản 5 vào Điều 1 của Thông tư 21: “Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”.

Theo TS. Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank, việc cho phép TCTD đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là một hình thức, một kênh để kinh doanh, mở ra thêm một cơ hội để ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận. Qua đó sẽ giúp cho các TCTD phát triển kênh phân phối, hoàn thiện chuỗi cung ứng, đa dạng hoá rủi ro...

Hơn nữa, sau khi Nghị định 135/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được ban hành, Bộ Tài chính đã có Thông tư 105/TT-BTC và NHNN ban hành Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 135. Nay, với những quy định tại Thông tư 28 sẽ tạo thêm hành lang pháp lý cho TCTD mở rộng đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Thông tư 28 cũng bổ sung thêm một số hoạt động ngoại hối cơ bản, nâng tổng số nghiệp vụ ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước của các TCTD lên 18 nghiệp vụ.

Đặc biệt, phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế của ngân hàng thương mại (NHTM) cũng được bổ sung thêm hai nghiệp vụ: thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ với tổ chức tài chính nước ngoài; thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất và các giao dịch phái sinh khác liên quan đến ngoại hối theo nguyên tắc có sự chấp thuận và hướng dẫn bằng văn bản của NHNN.

Các chuyên gia đánh giá, những quy định mới này một lần nữa tạo sự thông thoáng, giúp cho NHTM bên cạnh các nghiệp vụ truyền thống thì có thể không ngừng phát triển thêm các dịch vụ mới hiện đại, đặc biệt là các công cụ phái sinh tiền tệ - công cụ tài chính đem lại lợi nhuận cao cho NHTM.

Việc đa dạng hoá các loại hình nghiệp vụ cũng giúp cho các ngân hàng tăng thêm nguồn vốn huy động từ khách hàng, tận dụng tối đa sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi cho đầu tư.

“Mở rộng hoạt động ngoại hối về cơ bản sẽ tạo ra sự luân chuyển của dòng vốn, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng đang trong tiến trình hội nhập quốc tế thì việc này sẽ càng có lợi…”, ông Lê Thành Trung nói.

Tại Thông tư này, NHNN cũng đã sửa đổi hoặc bỏ các điều kiện, hồ sơ nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, như: sửa quy định điều kiện, hồ sơ về quy trình quản lý rủi ro đối với từng hoạt động ngoại hối theo hướng TCTD chỉ cần gửi NHNN quy định về quản lý rủi ro chung cho toàn bộ các hoạt động ngoại hối; hay việc các TCTD không cần nộp quy trình khi xin cấp phép, thay vào đó sẽ có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình thực hiện các nghiệp vụ sau khi cấp phép...

Một quy định khác được các chuyên gia đánh giá cao ở Thông tư 28 là quy định về điều kiện chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế (Điều 9).

Trong đó, NHNN yêu cầu tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác và xác định hạn mức giao dịch đối với đối tác nước ngoài; trong đó đối tác nước ngoài mà TCTD được phép có giao dịch tiền gửi (không phải tiền gửi thanh toán) phải là các tổ chức có hệ số xếp hạng tín nhiệm từ mức Baa3/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody’s Investor Service trở lên, hoặc từ mức BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard & Poor’s trở lên, hoặc từ mức BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings trở lên… 

Đại diện vụ chức năng NHNN cho biết, cơ quan quản lý đang rất tạo điều kiện cho hoạt động ngoại hối của các TCTD phát triển, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, quản lý được những rủi ro tiềm ẩn. Theo đó, NHNN quy định tổng số dư tiền gửi của NHTM tại tất cả các chi nhánh, công ty con ở nước ngoài không vượt quá 10% vốn điều lệ.

Chia sẻ về quy định trên, TS. Lê Thành Trung phân tích: Quy định không vượt quá giới hạn 10% vốn điều lệ của NHTM là nhằm tránh việc NHTM gửi quá nhiều tiền ra nước ngoài, trong chừng mực nào đó sẽ gây ảnh hưởng tới an toàn.

Về bản chất, nếu chưa có quy định này, thì bản thân các ngân hàng cũng vẫn phải để tiền để đảm bảo thanh toán tại các ngân hàng nước ngoài. Điểm chú ý ở đây là neo lại con số 10%.

“Ví dụ như trong một ngày, lượng thanh toán quá nhiều cũng sẽ buộc các NHTM phải đẩy tiền ra, nhà băng gửi tiền ở các chi nhánh của mình là chuyện bình thường... Quan trọng vẫn là quản lý việc này ra sao trong việc báo cáo, xin phép để nhà quản lý biết được dòng vốn đi từ trong nước ra nước ngoài là bao nhiêu? Cụ thể được đầu tư ở đâu? Đầu tư cái gì?”, ông Trung nhấn mạnh.