Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) với số phiếu tán thành cao

Theo mof.gov.vn

(Taichinh) - Sáng 25/6, với 442 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành (chiếm 89,47% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Trong phiên họp sáng ngày 25/6, có 456 ĐBQH tham gia biểu quyết (chiếm 92,31% tổng số ĐBQH).. Nguồn: internet
Trong phiên họp sáng ngày 25/6, có 456 ĐBQH tham gia biểu quyết (chiếm 92,31% tổng số ĐBQH).. Nguồn: internet

Trong phiên họp sáng ngày 25/6, có 456 ĐBQH tham gia biểu quyết (chiếm 92,31% tổng số ĐBQH).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận tại Hội trường ngày 02/6/2015, ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý và hoàn thiện Dự án Luật NSNN (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Quy định rõ để phản ánh đúng bản chất các khoản vay

Về thu ngân sách, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần phải hạch toán đầy đủ đối với các khoản thu phí, lệ phí, không chỉ ghi thu về ngân sách phần nộp mà toàn bộ phần còn lại cũng phải ghi thu, ghi chi (khoản 1 Điều 5), UBTVQH giải trình như sau:

Dự án Luật NSNN (sửa đổi) đã xác định lệ phí là khoản thu NSNN (tương tự như thu từ thuế) phải nộp toàn bộ vào NSNN. Đối với các khoản phí, nhằm khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay là vừa coi phí là giá dịch vụ, vừa là doanh thu của đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn ghi thu - ghi chi vào NSNN, dự án Luật Phí, lệ phí đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10, khi đó, việc quy định mọi chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng các khoản phí sẽ thực hiện theo quy định của Luật Phí, lệ phí.

Về chi ngân sách, một số ĐBQH đề nghị quy định mở rộng hơn nội dung chi từ nguồn dự phòng để giải quyết các trường hợp cấp bách phát sinh, các vụ việc phức tạp cần giải quyết (khoản 2 Điều 10). UBTVQH cho rằng, đề nghị của ĐBQH là cần thiết và xin tiếp thu, sửa lại điểm a, khoản 2 Điều 10 như sau: “2. Dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để: a) Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán”.

Về bội chi và mức dư nợ vay của NSĐP, một số ĐBQH cho rằng, khoản 3 Điều 7, khoản 9 Điều 8 quy định ngân sách chỉ bố trí trả nợ lãi, còn nợ gốc được bố trí từ các khoản vay mới là không phù hợp.

Về vấn đề này, UBTVQH xin báo cáo giải trình, tiếp thu như sau: Luật NSNN hiện hành quy định chi NSNN bao gồm chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền do Chính phủ vay, bội chi NSNN bao gồm toàn bộ các khoản vay để bù đắp chênh lệch thu, chi NSNN. Như vậy, phần vay được phản ánh 2 lần trong chi ngân sách: lần thứ nhất sử dụng nguồn vay để chi ngân sách, lần thứ hai chi trả nợ gốc khi đến hạn. Do đó, mức bội chi NSNN của Việt Nam thường cao hơn so với phương pháp tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế.

Để phản ánh đúng bản chất các khoản vay, phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định tại một số điều khoản, theo đó, trường hợp số vay mới lớn hơn số chi trả nợ gốc tại thời điểm vay, thì phát sinh bội chi NSNN. Xét về bản chất của các quy định trên, việc sử dụng số vay mới để trả nợ gốc chỉ là phương pháp hạch toán bội chi NSNN theo thông lệ quốc tế, không phải là “đảo nợ”. Còn việc trả nợ gốc có thể được thực hiện bằng cách sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi so với dự toán được sử dụng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ (bao gồm cả trả nợ gốc và lãi) quy định tại điểm a khoản 2 Điều 59.

Tuy nhiên, theo UBTVQH, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, với cách diễn đạt như quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 9 Điều 8 như trên có thể dẫn đến cách hiểu là ngân sách chỉ bố trí trả nợ lãi, còn nợ gốc được bố trí trả từ các khoản vay mới. Vì vậy, tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH, xin Quốc hội cho phép sửa lại như sau: Bỏ nội dung “Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn được bố trí từ các khoản vay mới theo quy định của pháp luật để thực hiện” tại cuối khoản 3 Điều 7 và khoản 9 Điều 8 như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung lại như sau: Khoản 4 Điều 4: “Bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh. Bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách trung ương. Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương”…

Quản lý chặt chẽ vay nợ của địa phương

Về mức dư nợ vay của NSĐP, theo UBTVQH, có ý kiến ĐBQH đề nghị mức dư nợ vay của NSĐP không vượt quá 80% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp; có ý kiến đề nghị điều chỉnh tỷ lệ là 80% (đối với Tp. Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh), 40% đối với các tỉnh có điều tiết và 30% với các tỉnh còn lại. Có ý kiến đề nghị giải thích rõ lý do việc thay đổi cách tính mức giới hạnnợ vay của NSĐP so với tổng thu thay vì so với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước như Dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau: Về đề nghị nâng cao hơn nữa mức dư nợ của chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh có mức dư nợ là 20%: UBTVQH cho rằng, với quy định 3 mức như Dự thảo mới (60%, 30% và 20%) là nhằm quản lý chặt chẽ vay nợ của địa phương, đảm bảo khả năng trả nợ của địa phương dựa trên số thu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công.

Trường hợp điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của NSĐP lên cao hơn như ý kiến ĐBQH đề nghị sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của địa phương và tăng nhanh nợ công. Trường hợp các tỉnh, thành phố muốn được vay nợ với mức cao hơn cần nâng cao số thu NSĐP để từ đó được áp dụng mức dư nợ cao hơn theo quy định của pháp luật.

Về đề nghị giải thích lý do của việc thay đổi cách tính mức giới hạn nợ vay của NSĐP: Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 quy định mức dư nợ của chính quyền địa phương được căn cứ vào tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Còn Dự thảo mới quy định tính mức giới hạn nợ vay của NSĐP so với tổng thu NSĐP được hưởng theo phân cấp.

Về cơ bản, số dư nợ được phép vay của NSĐP theo hai cách này là tương đương. Đồng thời, với cách xác định trên số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp đảm bảo mức dư nợ vay phù hợp với khả năng trả nợ, nhằm quản lý chặt chẽ việc vay nợ của từng địa phương, góp phần khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế. Với các lý do như trên, UBTVQHxin Quốc hội cho được giữ như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.