Quý I/2024, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 6,9%

Huy Nguyễn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, cả nước có gần 59,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Quý I/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm 2023.
Quý I/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh nhìn chung khởi sắc nên trong quý I/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn lao động, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay là 724.507 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 332.175 tỷ đồng, tăng 7,0%. Cả nước cũng có 9.761 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 3 tháng đầu năm 2024, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2023; số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 392.332 tỷ đồng, giảm 12,1%. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 0,1%.

Phân theo ngành nghề, có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (tăng 10,0%); Khai khoáng (tăng 17,7%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 8,8%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 5,3%); Xây dựng (tăng 4,4%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 13,0%); Vận tải, kho bãi (tăng 24,4%); Thông tin và truyền thông (tăng 2,3%); Giáo dục và đào tạo (tăng 6,9%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 16,7%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 0,9%).

Các ngành còn lại ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023, gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11,7%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 5,6%); Hoạt động kinh doanh bất động sản (giảm 2,0%); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (giảm 4,6%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 5,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 3,3%)…

Trong khi đó, chia theo khu vực, 6/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhất với 15.413 doanh nghiệp, tăng 10,4%; Tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng có 10.868 doanh nghiệp, tăng 1,9%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 4.215 doanh nghiệp, tăng 0,7%; Đồng bằng sông Cửu Long có 2.739 doanh nghiệp, tăng 7,9%; Trung du và miền núi phía Bắc có 2.032 doanh nghiệp, tăng 23,0%; Cuối cùng là Tây Nguyên có 977 doanh nghiệp, tăng 7,5%.

Cũng theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, cả nước có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tập trung ở các ngành như: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất phân phối điện, nước, gas; Thông tin và truyền thông; Hoạt động kinh doanh bất động sản…

So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Tổng cục Thống kê nhận định, bước sang quý II/2024, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo trong khi nội lực của doanh nghiệp ít nhiều đã bị bào mòn.

Cùng với đó, vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế, do đó cần đẩy mạnh cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như mô hình tăng trưởng để tạo ra các động lực phát triển mới.

Việt Nam đang có thế và lực mạnh để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, do đó, cần phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.