Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và lời giải bài toán vốn trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội

Nguyễn Thị Huyền Châm, Phạm Bảo Dương - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lĩnh vực nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiện đại hoá nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này gặp khó khăn về vốn, trong khi nhu cầu sử dụng vốn là rất lớn. Quỹ phát triển DNNVV là một định chế tài chính nhà nước đầu tiên dành riêng cho đối tượng này trong danh mục ưu tiên. DNNVV lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội cũng thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng, tuy nhiên, khi áp dụng vẫn còn nhiều bất cập.

Vai trò, ý nghĩa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp

Các DNNVV sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, tập trung, áp dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Bên cạnh đó, với cơ cấu tổ chức khoa học, quy mô lớn của hình thức doanh nghiệp cho phép tạo ra sản phẩm với năng suất cao và giá thành giảm, cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả.

DNNVV lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định là ngành sản xuất lâu đời và cơ bản nhất của xã hội và trong tương lai vẫn là trụ cột của nền kinh tế, là nền tảng cho các ngành nghề khác phát triển (Bila, 2020). Các quốc gia đều nhận thấy, các DNNVV đóng vai trò quan trọng, được xác định sẽ trở thành nhân tố định hướng chủ yếu cho sự phát triển kinh tế trong thời kỳ tiếp theo.

DNNVV lĩnh vực nông nghiệp còn góp phần khai thác và phát huy nguồn lực địa phương một cách hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ trong nội bộ ngành nông nghiệp (Nguyễn Văn Lê, 2014). Với quy mô vốn đầu tư nhỏ, bộ máy tổ chức gọn nhẹ, dễ khởi sự, các DNNVV sản xuất nông nghiệp có thể tham gia vào nhiều thị trường nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên và lao động của từng vùng sinh thái.

Phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp còn góp phần đảm bảo trật tự và công bằng xã hội. Các DNNVV nói chung, do người lao động làm chủ sở hữu, thường không tạo ra những chênh lệch về thu nhập như các doanh nghiệp lớn. Do vậy, nếu tỷ trọng các DNNVV trong nền kinh tế càng cao, vấn đề bất bình đẳng về thu nhập trong dài hạn có thể sẽ giảm đáng kể, hoặc ít nhất không bị gia tăng, từ đó, góp phần tạo nên sự ổn định cho xã hội, an ninh lương thực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp

Các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp có nhu cầu về diện tích đất rất lớn. Với đặc trưng của sản xuất nông nghiệp, đất đai là đầu vào quan trọng và khó thay thế. Đặc biệt, ở hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại nhất là doanh nghiệp, nhu cầu về đất dành cho sản xuất rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ hiện đại.

Song, xuất phát từ đặc trưng DNNVV, các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tồn tại ở quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế và bộ máy điều hành gọn nhẹ. Chính quy mô nhỏ gọn đem lại cho các doanh nghiệp một số lợi thế nhất định như: dễ thành lập, dễ gia nhập thị trường và khả năng thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng khiến các doanh nghiệp khó đạt được lợi thế về quy mô như các doanh nghiệp lớn. Nguồn lực tài chính hạn chế khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đầu tư mở rộng mặt bằng, đầu tư máy móc thiết bị và mua sắm nguyên nhiên vật liệu. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức gặp không ít khó khăn. Với số ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn này, lượng vốn cũng không đáp ứng đủ nhu cầu bởi vô số những rào cản về mặt thủ tục từ phía ngân hàng. Đa số các doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vốn tín dụng phi chính thức.

Đồng thời, các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là sự thiếu hụt lao động lành nghề và có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0. Trong khi hệ thống đào tạo nghề còn lạc hậu, chưa đổi mới chưa đủ đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đang là một thách thức rất lớn đối với các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ lãnh đạo doanh nghiệp ít được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường lớp chính quy, dẫn đến sự thiếu hụt về những kiến thức tài chính, luật pháp và quản trị kinh doanh, từ đó dẫn tới năng lực quản trị còn hạn chế. Một bộ phận lớn chủ DNNVV thực hiện kinh doanh dựa theo kinh nghiệm và còn mang tính gia đình.

Bên cạnh đó, do những khó khăn trong tiếp cận tài chính, các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, triển khai hay tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Công nghệ hiện tại đang được sử dụng trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Phần lớn các DNNVV vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Tình trạng công nghệ, thiết bị thấp kém, năng lực đổi mới công nghệ còn hạn chế, sử dụng lao động thủ công là chủ yếu xuất phát chủ yếu từ khó khăn về vốn của các doanh nghiệp.

Qũy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khái quát

Qũy Phát triển DNNVV được thành lập nhằm hỗ trợ cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Qũy nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.

Qũy Phát triển DNNVV là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại.

Chức năng của Qũy Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Qũy Phát triển DNNVV thực hiện chức năng: cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và tiếp nhận, quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.

Qũy thực hiện cho vay dưới 2 hình thức: (1) Quỹ trực tiếp cho vay đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có nhu cầu vay vốn; (2) Qũy thực hiện cho vay gián tiếp đối với các DNNVV thông qua giao vốn cho các Ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, Qũy tài trợ vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua phương thức cấp vốn không hoàn lại từ nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân hoặc vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Qũy. Để được tài trợ, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Mức tài trợ vốn không quá 01 tỷ đồng cho một dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng không quá 50% vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị.

Ngoài chức năng cho vay, tài trợ đối với DNNVV, Qũy còn tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.

Điều kiện cho vay của Qũy Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí sau. Trước hết, DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ban hành danh mục lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên của Qũy Phát triển DNNVV. Thứ hai, DNNVV phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thuộc các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ như: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Thứ ba, chủ sở hữu DNNVV phải có năng lực pháp luật dân sự và hành vi dân sự, có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; có khả năng trả nợ trong thời hạn quy định tại hợp đồng tín dụng đã ký kết; đảm bảo tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp cận vốn từ các quỹ của doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội

Tiếp cận vốn tín dụng đối với các DNNVV nói chung và các DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở kênh tín dụng chính thức. Việc ra đời của Quỹ Phát triển DNNVV được xem là một bước tiến quan trọng của Chính phủ trong việc tăng cường kênh hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Đây được coi là một định chế tài chính nhà nước đầu tiên dành riêng cho đối tượng DNNVV ở Việt Nam.

Các DNNVV được Qũy cho vay vốn với mục đích thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh, thời gian vay vốn tối đa không quá 7 năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung hạn và dài hạn là 4%/năm.

Mặc dù thuộc danh sách thụ hưởng từ Qũy Phát triển DNNVV, đáp ứng tiêu chuẩn thứ hai trong Danh mục ưu tiên lựa chọn nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tuy nhiên thực tế cho thấy, việc tiếp cận từ kênh này của các DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội còn rất hạn chế. Khi được hỏi chủ các doanh nghiệp bày tỏ ngần ngại trong tiếp cận nguồn vốn này, bởi do một số nguyên nhân như sau:

- Trong Phụ lục 1, Bảng chấm điểm tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng tại Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT có đưa ra 5 tiêu chí với thang điểm 20 cho mỗi tiêu chí, cụ thể là: Tiêu chí thứ nhất, về sản phẩm đầu ra, yêu cầu sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; Tiêu chí thứ hai, yêu cầu tính đổi mới, thể hiện thông qua áp dụng công nghệ cao; Tiêu chí thứ ba, yêu cầu năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp khi yêu cầu chủ doanh nghiệp có ít nhất 3 năm kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp; Tiêu chí thứ tư, tạo việc làm và yếu tố về giới ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và do phụ nữ làm chủ. Tiêu chí thứ năm, là môi trường, sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Do đa số DNNVV lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội thuộc quy mô nhỏ, xuất phát điểm thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu nên rất khó đáp ứng các tiêu chí 1, 2 và 5. Tiêu chí thứ tư cũng khó đạt điểm ưu tiên, do phần đa các doanh nghiệp này sử dụng quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động. Ở tiêu chí này, nếu sử dụng ít hơn 50 lao động không được tính điểm ưu tiên.

Như vậy, có thể thấy, tuy trong hướng dẫn của Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT thì DNNVV lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội thuộc đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, trong hồ sơ xét duyệt ưu tiên thể hiện qua thang điểm mô phỏng ở Phụ lục 1 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT, phần đa các doanh nghiệp này không đạt các tiêu chí đưa ra trong phụ lục.

- Quy trình bảo lãnh còn nhiều vướng mắc. Quy trình cho vay và bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng còn thiếu đồng bộ; Hạn mức cho vay thấp, với mỗi dự án mức cho vay tối đa không quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án đó. Đặc biệt, việc triển khai thủ tục tiếp cận đôi khi còn mang nặng tính xin cho, ảnh hưởng tâm lý ngần ngại của chủ doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn này.

- Chính sách vay vốn từ Quỹ: Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập để hỗ trợ cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động. Trường hợp Quỹ Phát triển DNNVV không quy định về tài sản thế chấp, nợ xấu, thì lại đẩy quả bóng rủi ro về phía ngân hàng thương mại, tức là yêu cầu các ngân hàng nhận ủy thác từ Quỹ này chịu trách nhiệm rủi ro đối với dự án, phương án sản xuất kinh doanh đã cho vay. Đây cũng là lý do khiến Quỹ Phát triển DNNVV dù đã thành lập, song rất khó đi vào hoạt động.

Kết luận và kiến nghị

Sự ra đời của Quỹ Phát triển DNNVV là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ. DNNVV lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong phát triển, hiện đại hoá nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp Hà Nội nói riêng cũng đang gặp phải những khó khăn trong kênh tiếp cận vốn tín dụng chính thức như các DNNNVV và sự tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV là rất cần thiết. Do vậy, một số khó khăn vướng mắc trong cơ chế tiếp cận nguồn vốn này cần được xoá bỏ.

Đồng thời, cần thống nhất và làm rõ trong quy trình bảo lãnh và đồng bộ hoá quy trình cho vay giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng. Nâng hạn mức cho vay và thời hạn cho vay đảm bảo phù hợp với đặc thù của các DNNVV lĩnh vực nông nghiệp. Quan trọng hơn hết, minh bạch, công bằng trong tiêu chí xét duyệt cần được đặc biệt chú trọng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28/10/2015 ban hành Danh mục Lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Qũy phát triển DNNVV;
  2. Lê Thế Phiệt (2016), Phát triển DNNVV tại tỉnh Đắk Lắk, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Đà Nẵng;
  3. Nguyễn Thị Hoàng Lý (2019), Phát triển DNNVV ở tỉnh Hòa Bình, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
  4. Trần Văn Hòa (2006), Phát triển DNNVV ở nông thôn Thừa Thiên Huế, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023