Đồng bộ các giải pháp phát triển tăng trưởng xanh lĩnh vực nông nghiệp

Khánh Chi

Trong những năm qua, mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… kéo theo những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và tương lai. Đối diện với những khó khăn, thách thức này, Việt Nam đã, đang tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển tăng trưởng xanh lĩnh vực nông nghiệp.

Nhà nước cần giữ vai trò “đầu tàu” trong việc tái cấp vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Nhà nước cần giữ vai trò “đầu tàu” trong việc tái cấp vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp

Nông nghiệp xanh được hiểu là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nền nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn định kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.

Sự ra đời của hóa chất nông nghiệp đã dần làm mô hình nông nghiệp truyền thống có tác động không tốt đến môi trường và sức khỏe con người. Vì sự lạm dụng sử dụng hóa chất nông nghiệp của người nông dân. Do đó, mô hình nông nghiệp xanh ra đời. Nông nghiệp xanh là mô hình nông nghiệp vừa đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân vừa không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.

Đề án được xây dựng trên cơ sở từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua và ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực triển khai chủ trương này.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh nói chung và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trong ngành Nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ.

Theo đó, ngành Trồng trọt thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Sử dụng đất lúa linh hoạt, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất canh tác và phát thải khí nhà kính...

Ngành chăn nuôi chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo...

Ngành Thủy sản tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu.

Ngành Lâm nghiệp phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản theo tiêu chuẩn quản lý. Phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận, trợ giá sản phẩm, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Thực hiện nghiêm truy xuất nguồn gốc nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng nguyên liệu xanh.

Đồng bộ các giải pháp phát triển tăng trưởng xanh lĩnh vực nông nghiệp

Trong quá trình triển khai phát triển nông nghiệp xanh đã gặp phải một số khó khăn như: Nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh; Yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp; Trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chi phí để mua công nghệ mới quá lớn; Nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh còn hạn chế.

Để phát triển nông nghiệp xanh, yêu cầu đặt ra trước mắt là cần phải giải quyết những khó khăn, tồn tại trên. Theo đó, cần chú trọng triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; phát triển sản xuất nông nghiệp xanh – sạch – an toàn – bền vững; xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái.

Thứ hai, thay đổi nhận thức từ nông dân, các tổ chức, hợp tác xã, cộng đồng dân cư… cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống các ngành hàng. Các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay để hình thành hệ sinh thái xanh.

Thứ ba, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn; nghiên cứu thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp ngoài việc tổ chức lại các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, Nhà nước cần giữ vai trò “đầu tàu” trong việc tái cấp vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.