Sẽ hạn chế kỳ nghỉ Tết quá dài?

T. Huyền

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đáng lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm 2019. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm xã hội là quy định về thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Điều 113 dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đang được bàn thảo có quy định về số ngày nghỉ, nghỉ bù được giữ nguyên như hiện hành, tuy nhiên nhà nước sẽ hạn chế hết mức việc hoán đổi ngày làm việc, ngày nghỉ để tránh tạo ra kỳ nghỉ quá dài. 

Lý giải về quy định này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội  Doãn Mậu Diệp cho rằng: Một nguyên tắc quản lý được nhấn mạnh là hạn chế hết mức việc hoán đổi ngày làm việc, ngày nghỉ để tránh tạo ra một kỳ nghỉ Tết quá dài, gây ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất, lao động.

Hiện nay, ngày nghỉ Tết đã được quy cụ thể trong Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành từ năm 2013. Theo đó, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Tính trung bình những năm gần đây, số ngày nghỉ Tết trung bình 7 đến 9 ngày do thực hiện hoán đổi ngày làm việc/ngày nghỉ. Mặc dù đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, nhưng thực tế cũng không ít ý kiến cho rằng nghỉ như vậy là quá dài, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Theo đó, việc sửa đổi quy định tại dự thảo lần này là không thực hiện việc hoán đổi như đã áp dụng những năm qua” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh  - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, người lao động không nên nghỉ Tết quá dài mà chỉ nên nghỉ dưới 7 ngày, vừa đủ để về quê và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.

TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ, không ít doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn rằng người lao động Việt Nam nghỉ Tết dài quá khiến các đơn hàng bị đình trệ, trong khi việc sản xuất kinh doanh của họ phải tính toán chặt chẽ theo ngày. Thậm chí, nhiều công nhân còn không đi làm sau Tết khiến đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị phá vỡ. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nước trên thế giới có dịp nghỉ Tết dài ngắn khác nhau, nhiều nước nghỉ chỉ 1-2 ngày song có nước nghỉ rất dài. Với Việt Nam, để thay đổi ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì cần có cuộc khảo sát, lấy ý kiến tổng thể của cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. “Cá nhân tôi cho rằng, nghỉ Tết Nguyên đán từ 5 đến 7 ngày là hợp lý, nghỉ dài thì người dân có điều kiện tái tạo sức lao động song lại tạo ra sự trì trệ", ông Long cho biết. 

Trái với quan điểm trên, đại diện Văn phòng giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các hiệp hội đều thống nhất giữ nguyên quy định về nghỉ Tết âm lịch hiện hành. Nếu lịch nghỉ Tết trùng vào ngày nghỉ thì nên được nghỉ bù.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thống nhất với việc giữ nguyên quy định về nghỉ Tết âm lịch. Tuy nhiên, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị, các cơ quan nhà nước không quy định việc chuyển đổi ngày nghỉ, ngày làm bù để nghỉ liền kéo dài quá lâu trong dịp này, ảnh hưởng đến xã hội.

Theo bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, phân tích: Nếu nghỉ dài sẽ giúp người lao động đi làm xa quê được ở nhà lâu hơn, song sau Tết, tinh thần họ uể oải khó thích ứng với công việc và phát sinh ăn uống nhậu nhẹt, bạo lực cũng như lãng phí trong ăn chơi dịp Tết. Tuy nhiên, kỳ nghỉ dài sẽ giúp kích cầu du lịch.

Bà Hồng đề xuất, nếu ngày nghỉ Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì nối vào do đó số lượng ngày nghỉ Tết tối đa là 7 ngày. Tuy nhiên, khi ngày nghỉ Tết cách ngày nghỉ cuối tuần thì Chính phủ không nên cho nghỉ thêm rồi hoán đổi sang tuần khác, như vậy nghỉ Tết sẽ kéo quá dài.